MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Dứt khoát phải chuyển sang cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp"

Trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ hôm nay (17/11), nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ phải tăng cường công tác quản lý nợ công, kiểm soát chặt chẽ các nguồn đầu tư cũng như tránh lãng phí.

Bên hành lang quốc hội, đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu), đã có trao đổi với phóng viên về vấn đề nợ công, cũng như quản lý hiệu quả các nguồn vốn của nhà nước.

- Xin ông cho biết những đánh giá của mình về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính trong việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội về quản lý nợ công?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Vấn đề tài chính ngân sách đang là vấn đề nóng, bức xúc đặt lên nghị trường, vấn đề đó phản ánh việc điều hành chính sách tài khóa trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Nhưng bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều vấn đề bất cập, đó là áp lực chi trả nợ, chi đầu tư rất lớn trong khi cân đối ngân sách hết sức khó khăn, nợ công ở mức rất cao và đang tiến rất nhanh với tốc độ tăng của dư nợ công những năm gần đây lên đến 18-20%, đang đẩy trần nợ công đến mức cao, điều này đe dọa an ninh tài chính quốc gia. Đấy là những vấn đề bất cập cần xử lý trong thời gian tới.

Về trả lời của Bộ trưởng Tài chính tôi cho đó là việc trình bày vấn đề một cách tổng quan và thẳng thắn, đi thẳng vào những vấn đề bất cập đang đặt ra và là điều tôi đánh giá cao.

Chúng ta không né tránh, nói thẳng vào những thành tích đã được khẳng định nhưng quan trọng hơn phải nhìn thẳng vào những vấn đề bất cập và chỉ rõ nguyên nhân ngọn nguồn của nó, đồng thời phải có giải pháp, có cam kết phải ngăn chặn tình trạng cấp độ nào ở thời hạn nào và phải đạt được những chỉ tiêu cụ thể, điều đó bộ trưởng đã làm được.

Tuy nhiên, thời lượng thì rất lớn và những vấn đề tài chính ngân sách là những vấn đề thuộc về nghiệp vụ chuyên môn sâu để giải quyết một cách đầy đủ, căn cơ vấn đề thì cần phải có quỹ thời gian nhiều hơn.

Với quỹ thời gian cho phép thì tôi cho rằng bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã trình bày một cách rất rõ về những vấn đề nóng đang đặt lên đặc biệt là vấn đề cân đối ngân sách, vấn đề tăng của dư nợ công.

- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của nguồn vốn đi vay, bởi nhiều đại biểu đã tỏ ra lo ngại về nguồn vốn này?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Vấn đề đặt ra là không chỉ tăng nợ công, không chỉ là vấn đề mất cân đối ngân sách nhà nước lớn trong nhiều năm mà vấn đề quan trọng hơn đó là việc quản lý hiệu quả nguồn tài chính công thế nào, có thật sự hiệu quả hay không.

Nếu không giải quyết đảm bảo được hiệu quả sử dụng thì nguy cơ của việc vỡ nợ hoặc là mất ổn định an ninh tài chính quốc gia còn lớn hơn nhiều. Do vậy chất lượng sử dụng các nguồn vốn này vẫn là vấn đề trọng tâm mà Chính phủ cần tập trung xử lý.

Từ phân tích trên cho thấy, chất lượng sử dụng nguồn vốn vay không đảm bảo thì nguy cơ bảo tồn nguồn vốn và khả năng trả nợ của chúng ta sẽ khó, từ đó sẽ dẫn đến tính trạng nợ công tăng cao và an ninh tài chính quốc gia bị đe dọa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này và tôi cho rằng điều quan trọng trong công tác quản lý sử dụng vốn cần phải rà soát lại từ các cơ quan có trách nhiệm phân bổ xây dựng dự án đó, trước hết là cơ quan Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành sử dụng nguồn vốn vay lớn đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc bố trí vốn thủy lợi và các chính quyền địa phương sử dụng nguồn vốn vay này phải có dự án và phải hết sức cụ thể nhưng đảm bảo hiệu quả.

Trên tinh thần đó đảm bảo sử dụng nguồn vốn vay của cả nước mới có hiệu quả.

- Thưa ông, có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị xác định thế nào để tiến tới nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, vậy các tiêu chí này theo ông cần xác định cụ thể thế nào?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Trong những năm gần đây, qua từng kỳ đại hội, chủ trương xây dựng kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa đã được cụ thể hóa hơn. Trước hết phải chuyển sang cơ chế vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, theo quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh cũng như các quy luật vốn có của thị trường.

Nhưng nếu chỉ thuần túy cho cơ chế thị trường điều chỉnh sẽ dẫn đến nền kinh tế tự phát và sẽ dẫn đến mất cân đối cho nền kinh tế và giá phải trả rất lớn nên hầu hết các nước phát triển, bên cạnh việc điều tiết vấn đề tự phát của thị trường, bàn tay vô hình của thị trường thì đòi hỏi phải có sự điều hành chủ động của Nhà nước. Điều này theo như nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới Robison đã nói là phải sử dụng cơ chế thị trường và cơ chế quản lý nhà nước là tất yếu như việc vỗ tay của hai bàn tay.

Vấn đề của Việt Nam là dứt khoát phải chuyển sang cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ việc hạch toán giá không theo quy luật thị trường.

Quản lý Nhà nước là cần thiết nhưng quản lý theo hướng nào phụ thuộc vào bản chất của chế độ của chúng ta. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

Định hướng Xã hội Chủ nghĩa ở đây chính là chú trọng đến an sinh xã hội, thu hẹp sự bất bình đẳng về thu nhập, trình độ phát triển giữa các vùng miền và từng người dân để kiến tạo cuộc sống đầy đủ, công bàng hơn, văn minh hơn.

Tôi cho rằng đây là những cái cụ thể hóa của mô hình kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có định hướng Xã hội Chủ nghĩa và đã từng bước được cụ thể hóa.

Tuy nhiên để điều hành trong từng ngành, từng lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương thì vấn đề định hướng Xã hội Chủ nghĩa cần cụ thể hóa hơn thành những nhiệm vụ, mục tiêu, thành nội dung để trên cơ sở đó chúng ta có một chiến lược phát triển, xác định rõ hướng đi, xác định rõ phân kỳ từng đoạn đường, từng bước chúng ta đi như thế nào.

Ngoài ra, với những tiêu chí để chúng ta có cơ sở đánh giá xem kết quả thực hiện trong việc xây dựng kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa được gì, cái gì chưa được cái gì cần rút kinh nghiệm và giải pháp nào cho giai đoạn tiếp theo.

- Cũng tương tự như kinh tế thị trường, việc xác định tiến tới hiện đại hóa, công nghiệp hóa cũng cần phải xác định rõ mục tiêu, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Đại hội ​khóa trước của Đảng cũng đã xác định rõ mục tiêu ít nhất là đến năm 2020 phải xây dựng được nền kinh tế Việt Nam công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, nhưng đợt này chúng ta cũng xác định mềm hơn.

Lý do được giải thích là do bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến khó lường. nếu chúng ta cố định hóa mục tiêu như vậy dẫn đến khả năng hiện thực hóa mục tiêu đó không khả thi và không chắc chắn vì vậy để phù hợp với tình hình thực tế và cũng để linh hoạt hóa trong quá trình quản lý điều hành thì đợt này mục tiêu xác định tôi cho đó là mang tính chất định hướng mà thôi.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, môi trường kinh tế hiện nay của Việt Nam rất yếu, thấp kém ở nhiều lĩnh vực do đó hơn lúc nào hết cần phải có giải pháp đột phá. (Ảnh: TTXVN)
Nhiều nhà phân tích cho rằng, môi trường kinh tế hiện nay của Việt Nam rất yếu, thấp kém ở nhiều lĩnh vực do đó hơn lúc nào hết cần phải có giải pháp đột phá. (Ảnh: TTXVN)

Ý kiến cá nhân tôi cho rằng, mục tiêu rõ ràng đó phải căn cứ phải đảm bảo tính khả thi và phải đảm bảo tính hiện thực và tính thiên biến nữa. Phải có sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả dân tộc phải chung sức một lòng trong việc phát triển, kiến tạo đất nước, kiến tạo nền kinh tế mới, nếu không, nguy cơ tụt hậu của Việt Nam sẽ rất lớn, không chỉ về tình độ phát triển mà cả về thu nhập.

So với các nước, môi trường kinh tế hiện nay chúng ta rất yếu, thấp kém ở nhiều lĩnh vực do đó hơn lúc nào hết cần phải có giải pháp đột phá, cần phải huy động tổng lực các nguồn lực trong nền kinh tế, huy động cả nguồn lực nước ngoài phải có cơ chế phân phối sử dụng một cách hợp lý có hiệu quả, phải đặt lợi ích phát triển, lợi ích của cộng đồng dân tộc của doanh nghiệp và từng người dân một cách hài hòa để thực hiện được mục tiêu đó.

Điều này cũng phải có xác định rõ phân kỳ theo thời gian, nếu chúng ta chỉ xác định mục tiêu chung chung theo định hướng thì sau này sẽ dẫn đến quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó là kiểm điểm đánh giá của một nhiệm kỳ đạt được mục tiêu gì trong việc chấn hưng kinh tế đất nước, trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa nên tôi cho rằng có thể đến năm 2020 thậm chí là 2030 phải khẳng định rõ sẽ đạt được những mục tiêu gì.

- Xin cảm ơn ông./.

 

Theo Nhóm PV

VIETNAM+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên