MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Economy Watch: “Loay hoay” tìm ngành mũi nhọn, VN khó trở thành nước công nghiệp vào năm 2020

Theo nhận định trên Economy Watch, năm 2001, Quốc hội đặt mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020. Tuy nhiên, với tốc độ hiện tại, Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu này.

Kém xa so với các nước

So với các nước có nền công nghiệp phát triển trong khu vực như Malaysia và Thái Lan, Việt Nam đang kém xa về mức sống, công nghệ cũng như cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong những năm qua, Việt Nam lại bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2010. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm 7 điểm phần trăm mỗi năm kể từ sau cuộc khủng hoảng, GDP bình quân chỉ đạt khoảng 5,4% (giảm mạnh so với 6,7% năm 2011)

Năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt khoảng 1.908USD/người (cùng năm nay, GDP bình quân của Mỹ đã là 53.042USD/người). Thu nhập trung bình của Việt Nam cũng nằm trong nhóm thấp nhất khu vực châu Á, chỉ cao hơn Lào,  Campuchia và Myanmar.

Với tốc độ hiện tại, Việt Nam sẽ phải mất hàng chục năm nữa để đạt được mức tăng trưởng với các nước công nghiệp phát triển trong khu vực châu Á. Tốc độ này cũng chậm chạp hơn so với các quốc gia khác trên thế giới.

Thiếu định hướng

Việt Nam là một trường hợp khá đặc biệt trong quá trình công nghiệp hóa. Một trong những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế là thiếu một ngành công nghiệp mũi nhọn, trong khi các nước châu Á khác thường tập trung vào những ngành công nghiệp chủ đạo. Chẳng hạn, Hàn Quốc tập trung vào ngành công nghiệp cơ khí, Nhật Bản tập trung vào ngành điện tử tiêu dùng.

Đến nay, Việt Nam vẫn loay hoay trong việc xác định ngành công nghiệp mũi nhọn. Điều này gây khó khăn cho Chính phủ trong việc xác định ngành thích hợp để thu hút nguồn lực để hỗ trợ tốt nhất cho việc công nghiệp hóa.

Mặc dù đặt mục tiêu công nghiệp hóa từ những năm 1990, nhưng đến nay Việt Nam có rất ít cải tiến trong khoa học và công nghệ. Hầu hết các công ty không có đổi mới về công nghệ và nền kinh tế vẫn chủ yếu là nền kinh tế gia công lắp ráp như cách đây 20 năm.

Điều đáng nói, dường như công nghệ lạc hậu đang "kìm chân" kinh tế Việt Nam, làm cho các nhà sản xuất Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước khác trên thế giới.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh Toàn cầu 2014-2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ 99 trong số 144 nền kinh tế về mức độ sẵn sàng công nghệ, và xếp thứ 118 trong việc áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất.

Cần thay đổi

Economy Watch cho rằng, có vẻ như Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng đưa ra những hành động cần thiết nhằm đạt mục tiêu công nghiệp hóa đã đề ra.

Do vậy, nếu không có các sáng kiến ​​nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và các chương trình cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước, trong những năm tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục bị kìm hãm.

 

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Economy Watch

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên