EIU khẳng định triển vọng kinh tế khả quan của Việt Nam
Đánh giá của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn "Nhà Kinh tế" (Anh) xác nhận triển vọng kinh tế khả quan của Việt Nam.
Đánh giá trên đây của EIU nêu rõ sau mấy năm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối thấp, nền kinh tế Việt Nam đang vượt qua giai đoạn khó khăn, với dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực chế tạo phục vụ xuất khẩu có dấu hiệu tăng trở lại.
Mặc dù vẫn còn tồn tại những bất ổn kinh tế vĩ mô, nhưng khả năng cạnh tranh của Việt Nam đang củng cố sự lạc quan về nhịp độ tăng trưởng kinh tế khả quan trong năm 2014 nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kim ngạch xuất khẩu đều tăng mạnh.
Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ rằng song song với việc duy trì sự ổn định chính trị, Đảng và Nhà nước cần chú trọng công tác tạo việc làm cho lao động trẻ và nâng cao mức sống cho người dân.
Một trong những biện pháp đầu tiên được Chính phủ Việt Nam áp dụng là tăng mức lương tối thiểu mới từ đầu năm 2013 và theo kế hoạch, đợt tăng lương tối thiểu tiếp theo sẽ được bắt đầu trong năm 2014 trong khi lạm phát vẫn được kiềm chế.
Ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng của ngành đầu tư nước ngoài Việt Nam tiếp tục tạo ra nhiều việc làm. Lượng vốn FDI rót vào ngành điện tử-lắp ráp ngày càng tăng, giúp Việt Nam sản xuất được nhiều hàng điện tử có giá trị gia tăng cao.
Các công ty như Panasonic, JBL, Fuji Xerox và Nokia đã đầu tư hàng triệu USD vào các dự án ở Việt Nam. Đặc biệt, tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đang có kế hoạch tăng vốn đầu tư vào nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh lên 2,5 tỷ USD và khởi công xây dựng một nhà máy mới ở tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD.
Trong khi đó, một số nhà bán lẻ hàng đầu thế giới cũng đang muốn nhảy vào thị trường đầy tiềm năng này. Tập đoàn bán lẻ Auchan của Pháp - hãng đã ngừng kinh doanh ở Việt Nam cách đây năm năm - đang có kế hoạch quay trở lại vào năm 2014 với cam kết đầu tư 500 triệu USD trong vòng 10 năm tới.
Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực chế tạo phục vụ xuất khẩu do nước này có những ưu thế so với các nước trong khu vực, trong đó có cơ sở hạ tầng vận tải, nguyên liệu đầu vào và thành phẩm.
Việt Nam cũng có mạng lưới điện rộng, cung cấp điện tới hơn 90% dân số. Thúc đẩy đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn cho thấy hoạt động xuất khẩu ngày càng đa dạng của Việt Nam có thể duy trì bền vững việc tăng lương cho người lao động.
Trong tương lai, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của Mỹ và một số nước châu Á-Thái Bình Dương, được chờ đợi là sẽ mang lại nhiều đặc quyền cho các nhà xuất khẩu ở Việt Nam, trong đó có với việc tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường có thu nhập cao.
Tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,3% trong năm nay và Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% cho năm tới.
Với hàng loạt yếu tố tích cực như hoạt động chế tạo được cải thiện, kim ngạch xuất khẩu gia tăng và những tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều người kỳ vọng về một nhịp độ tăng trưởng khả quan của Việt Nam trong năm tới, bất chấp những rủi ro do các khoản nợ xấu trong ngành ngân hàng gây ra.