MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVN đang cấp tập thoái vốn khỏi ngân hàng, bất động sản

Công tác thoái vốn đầu tư khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đang được EVN khẩn trương tiến hành.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, công tác thoái vốn đầu tư khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đang được doanh nghiệp này khẩn trương tiến hành.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, EVN đang tập trung thực hiện các phương án thoái vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực, Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung…

EVN và các đơn vị thành viên cũng đã khẩn trương triển khai phương án tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2012-2015 theo quyết định của Thủ tướng.

Hiện EVN đã hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển tập đoàn giai đoạn 2012-2015 định hướng đến 2020 và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Ban lãnh đạo EVN cũng đã phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015 của 5 tổng công ty điện lực; chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2013-2015; đề án tiết kiệm chi phí trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng; phương án tái cơ cấu Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và 5 tổng công ty điện lực giai đoạn 2012-2015.

Ngoài ra, EVN đã bàn giao quyền điều hành; bàn giao vốn, tài sản và chuyển chủ đầu tư các dự án đầu tư nguồn điện cho các tổng công ty phát điện (GENCO). Đến nay, các GENCO 1, 2, 3 đã cơ bản hoàn thành tổ chức bộ máy quản lý, bổ nhiệm cán bộ và nhân sự các bộ phận chuyên môn, đăng ký hoạt động.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã công bố dự thảo điều lệ hoạt động của EVN, trong đó yêu cầu tập đoàn phải có nghĩa vụ trong việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn tự huy động. EVN phải tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của EVN trong phạm vi số tài sản của tập đoàn; tự chủ về tài chính, tự cân đối về các khoản thu chi; kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư do chủ sở hữu nhà nước giao.

Đặc biêt, dự thảo điều lệ đã yêu cầu EVN phải thoái vốn hoàn toàn khỏi các lĩnh vực đầu tư bất động sản, ngân hàng sau khi tập đoàn đã không có được thành công trong các lĩnh vực này. Bộ Công Thương cũng cho biết, vốn điều lệ của EVN tính đến cuối năm 2012 là 143.404 tỷ đồng.

Về tình hình sản xuất điện trong 6 tháng đầu năm đạt 11,298 tỷ kWh, lũy kế 6 tháng năm 2013, sản lượng toàn hệ thống đạt 64,121 tỷ kWh, tăng 10,48% so với cùng kỳ năm 2012.

Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN trong tháng 6/2013 ước đạt 11,124 tỷ kWh, lũy kế 6 tháng năm 2013 đạt 62,155 tỷ kWh, tăng 9,58% so với cùng kỳ, trong đó điện sản xuất đạt 24,817 tỷ kWh. Điện thương phẩm tháng 6/2013 ước đạt 10,407 tỷ kWh, lũy kế 6 tháng năm 2013 ước đạt 55,673 tỷ kWh, tăng 10,13% so với cùng kỳ năm 2012.

Theo Từ Nguyên

cucpth

VnEconomy

Trở lên trên