MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FDI ở Việt Nam: Dòng vốn đang đổ về đâu?

Dòng vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tập trung ở các tỉnh, TP như Bắc Ninh, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương ...

Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 9 tháng năm 2014. Theo đó, tính đến ngày 20/9/2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 11,18 tỷ USD, bằng 74,5% so với cùng kỳ 2013.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang chiếm ưu thế

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn 7,7 tỷ USD, chiếm gần 68,9% tổng số vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm. Đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD, chiếm gần 11%. 

Tiếp theo đó là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 612,1 triệu USD, chiếm 5% và lĩnh vực y tế, trợ giúp xã hội với tổng vốn đầu tư là 415,7 triệu USD, chiếm 4%. 

Các lĩnh vực còn lại như dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ... chiếm tổng cộng 11,1% tổng vốn FDI vào Việt Nam 9 tháng qua. Điều đáng lưu ý là, trong khi hầu hết các lĩnh vực đều được tăng cường đầu tư, rót vốn thì có duy nhất một lĩnh vực bị thu hồi vốn đầu tư, đó là lĩnh vực nghệ thuật, giải trí. 


Tỷ lệ vốn FDI đổ vào Việt Nam theo lĩnh vực đầu tư 9 tháng năm 2014

Dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng cao trong những năm gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và ưu tiên phát triển 2 ngành công nghiệp mũi nhọn là công nghệ thông tin và công nghệp hỗ trợ; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, "công xưởng" thế giới đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) cũng là một lợi thế lớn cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta. Với nguồn lao động dồi dào và chi phí lao động rẻ, Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cần lượng nhân công lớn. 

Ngoài ra, sự xuất hiện ngày càng dày đặc các nhà máy công nghệ hiện đại ở Việt Nam như Samsung, LG, Nokia ... càng chứng minh được sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, chế biến, chế tạo. 

Theo sau công nghiệp chế biến chế tạo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng đang tăng tốc với tỷ lệ khoảng 11% trong tổng vốn FDI đổ vào Việt Nam 9 tháng năm 2014. 

Bắc Ninh - Quán quân thu hút đầu tư nước ngoài

Trong 9 tháng năm 2014, các nhà đầu tư FDI đầu tư vào gần 50 tỉnh trên địa bàn cả nước, trong đó có 4 tỉnh đạt con số vốn đầu tư trên 1 tỷ USD bao gồm: Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng là 3 địa điểm tiếp theo thu hút vốn đầu tư trên 500 triệu USD. 

Bắc Ninh là địa phương thu hút được FDI mạnh nhất với tổng vốn đầu tư 1,36 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư trên cả nước. TP Hồ Chí Minh vươn lên đứng thứ hai với vốn đăng ký 1,28 tỷ USD, chiếm 11,5%. Theo sau TP Hồ Chí Minh là Đồng Nai với tổng vốn đầu tư đạt 1,17 tỷ USD, chiếm 10,4% và Bình Dương 1,11 tỷ USD, chiếm hơn 10%.

Tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 924 triệu USD, 698 triệu USD và 597 triệu USD.


Tỷ lệ vốn FDI tại Việt Nam đầu tư vào các tỉnh, thành phố 9 tháng năm 2014

Tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài đổ về Bắc Ninh tăng cao xuất phát từ những lý do chính sau: có vị trí địa lý thuận lợi, gần TP Hà Nội; UBND tỉnh Bắc Ninh luôn có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành có công nghệ cao, công nghệ nguồn, gia tăng xuất khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ; nguồn lao động dồi dào; ... Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá rất cao tiềm năng và môi trường đầu tư ở Bắc Ninh. 

Đồng thời, theo thống kê, hiện Bắc Ninh đang là mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều tập đoàn có danh tiếng trên thế giới về lĩnh vực công nghệ cao như: Canon, Sumitomo (Nhật Bản); Samsung (Hàn Quốc); Foxconn, Mictac (Đài Loan); Tyco Electronics (Hoa Kỳ); ABB (Thụy Điển) và Tập đoàn Nokia đến từ Phần Lan ...

Cùng với Bắc Ninh, một trong 2 đầu tàu kinh tế lớn của cả nước là TP HCM cũng đang có những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và hứa hẹn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới. 


FDI vào Việt Nam 9 tháng đầu năm đạt hơn 11 tỷ USD

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên