MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FDI tăng trưởng: Dấu hiệu buồn của nền kinh tế Việt Nam?

Tại sao trong giai đoạn khó khăn vừa qua, hầu hết doanh nghiệp FDI vẫn trụ vững trong khi đó hàng loạt doanh nghiệp tư nhân trong nước lại phá sản hay hoạt động điêu đứng?

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI vào Việt Nam đã chính thức vượt mốc 20 tỷ USD trong năm 2013. 

Cụ thể, tính đến ngày 20/11/2013, cả nước có 1.175 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,779 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2013 tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 20,815 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm 2012.

Có thể thấy vai trò của các Doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng lớn. Theo TS Đậu Anh Tuấn - Quyền Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong buổi tọa đàm trực tuyến về cơ hội đầu tư 2014 do Diễn đàn đầu tư sáng 11/12, đây là một tin vui vì các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tương đối hiệu quả tại Việt Nam, đặc biệt khi nhìn qua các con số về tăng trưởng xuất khẩu, tỷ trọng công nghiệp... của khu vực này trong vài năm vừa qua. Tin vui nữa vì Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên TS Tuấn cũng nhìn nhận đây là chỉ dấu của những tin buồn cho nền kinh tế Việt Nam. Chuyên gia đặt câu hỏi tại sao trong giai đoạn khó khăn như vừa qua thì hầu hết doanh nghiệp FDI vẫn trụ vững trong khi đó hàng loạt doanh nghiệp tư nhân trong nước lại phá sản hay hoạt động điêu đứng? Phải chăng do khả năng quản lý điều hành, quản trị rủi ro của doanh nghiệp tư nhân trong nước kém? Liệu có phải nhiều doanh nghiệp trong nước mải đuổi theo các lĩnh vực như bất động sản, tài chính?

“Nhiều doanh nghiệp tư nhân đang mải đầu tư vào "quan hệ" mà không đầu tư vào ngành nghề cốt lõi, ngành nghề có sức nặng cạnh tranh của Việt Nam? Hay là thể chế của Việt Nam chưa thực sự hỗ trợ khu vực này phát triển? Mọi nỗ lực của Nhà nước đang tập trung vào thu hút FDI chứ không phải là thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước?” – TS Đậu Anh Tuấn vừa đặt câu hỏi vừa nêu quan điểm của mình.

Một điều đáng lo ngại nữa là mức độ lan tỏa của khu vực FDI sang khu vực tư nhân về công nghệ, về quản lý còn kém, không được như kỳ vọng. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chọn Việt Nam vì chi phí lao động rẻ, các ưu đãi về thuế và đất đai và vấn đề môi trường chưa nghiêm khắc...

Chốt lợi, chuyên gia kết luận “Chắc chắn rằng nền kinh tế Việt Nam không thể "cất cánh" với một động cơ FDI như vậy. Tôi cho rằng khu vực kinh tế tư nhân năng động, lành mạnh là một động cơ khác đặc biệt quan trọng với Việt Nam.”

Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – cũng cho rằng vấn đề mấu chốt trong việc thu hút FDI hiện nay là tăng cường FDI có chất lượng, xét cả trên góc độ phát triển bền vững và hiệu ứng lan tỏa. Và điều này phụ thuộc vào việc cải thiện môi trường cạnh tranh, thực thi những cam kết đã và đang đàm phán cũng như cách thức xúc tiến đầu tư thương mại.

Mỹ Chi

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên