FDI: Tăng trưởng - Phát triển
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT mới đây đã xác định: đã đến lúc chúng ta phải thu hút nguồn FDI đi vào thực chất.
Và, như một số chuyên gia từng đề cập, không phải mọi đồng tiền FDI vào Việt Nam chỉ duy nhất với mục đích làm cho Việt Nam phát triển, dù trước mắt, có thể tạo ra... tăng trưởng.
Bộ phận phụ trách quan hệ báo chí, truyền thông của Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cuối tuần trước đã đưa thông tin kết quả thanh tra đặc biệt của ngành Thuế gây “sốc”. Đó là số tiền phải đưa vào tính thuế thu nhập DN đã xác định lại ở 122 DN FDI tăng thêm 2.599 tỷ đồng trong năm nay. Ước tính số truy thu thuế có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng, một con số đáng kể trong bối cảnh ngân sách Nhà nước chắc chắn hụt thu so với kế hoạch năm 2013.
Xin nhắc lại, con số thất thoát trên mới chỉ ở 122 DN được ngành Thuế kiểm tra trong tổng số gần 15.500 DN FDI đang còn hoạt động. Câu chuyện chuyển giá đã được đề cập từ lâu, gần đây có biểu hiện gia tăng, theo các công bố phát hiện và truy thu thuế của cơ quan chức năng.
Từ năm 2009 trở lại đây, Tổng cục Thuế khi tăng cường các đợt rà soát, thanh tra các DN FDI có dấu hiệu chuyển giá đã phát hiện tỷ lệ lớn các công ty làm sai lệch báo cáo tài chính, kiến nghị giảm lỗ hàng nghìn tỷ đồng và truy thu hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, những chiêu trò gian lận trên của các DN FDI dường như chưa thuyên giảm.
Gần đây nhất, hàng loạt vụ chuyển giá hoặc nghi chuyển giá khủng đang bị đưa ra ánh sáng như: Keangnam đang bị cáo buộc chuyển giá 1.200 tỷ đồng; một công ty 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai) liên quan đến nghi án nâng khống giá trị vốn dự án lên 40 lần, tương đương 70 triệu USD…
Đặt trong bối cảnh khu vực FDI đang đóng góp khoảng 20% GDP hàng năm, trên 20% tổng vốn đầu tư xã hội, trên 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước… vấn đề cần bàn và tìm hiểu thấu đáo là khu vực FDI có thực chất là một nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của đất nước?
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, năm 2012, nộp ngân sách của khu vực FDI (không kể dầu thô) là 3,7 tỷ USD, chỉ chiếm 11,9% tổng thu ngân sách Nhà nước (hoặc 18,7% tổng thu nội địa, trừ dầu thô). So với tỷ trọng về giá trị sản lượng, vốn đầu tư, giá trị xuất khẩu… của kinh tế Việt Nam nêu trên và các chính sách được Nhà nước ưu đãi đi kèm, mức đóng góp cho ngân sách của khu vực FDI là rất hạn chế.
Có ý kiến cho rằng, mức thuế suất của chúng ta cao quá khiến các DN FDI tìm cách lách luật. Vậy Chính phủ Việt Nam có “sưu cao thuế nặng” đến mức DN FDI phải tìm mọi cách đưa lợi nhuận ra khỏi quốc gia mà DN đó khởi sinh để trốn nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước của chính nền kinh tế đã từng cưu mang nó?
Thực tế, khi đưa vốn vào Việt Nam, khối DN này còn đang nhận được nhiều ưu ái hơn các cơ sở kinh doanh bản địa. Điều này được Bộ Tài chính thừa nhận tại báo cáo tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. “Với mục tiêu đẩy mạnh thu hút vốn FDI, chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu vực này được áp dụng cao hơn hẳn cả thuế suất, thời gian miễn thuế, giảm thuế so với khu vực DN có vốn đầu tư trong nước”, Bộ Tài chính cho hay.
Cụ thể, đối với khu vực FDI, tuỳ theo lĩnh vực, địa bàn đầu tư, DN được áp dụng thuế suất ưu đãi 10%, 15% và 20% và miễn, giảm thuế tương ứng, trong đó mức miễn thuế tối đa là 4 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo. Đồng thời, Quốc hội cũng đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế thu nhập DN từ 32% năm 1997 xuống còn 28% năm 2003 và tiếp tục giảm còn 25% từ năm 2009.
Một số chính sách ưu đãi thuế đối với DN FDI xuất khẩu cũng được ban hành như: miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công cho nước ngoài; với hàng hóa để tạo tài sản cố định đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được; hoàn thuế nhập khẩu và không thu thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm xuất khẩu được xác định là sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu nhập khẩu...
Đó là chưa tính đến các cơ chế ưu đãi riêng về đất đai, cung cấp hạ tầng, nguồn nhân lực mà các địa phương, trong cuộc chạy đua với nhau để lôi kéo nguồn FDI về địa phương mình, đã lẳng lặng cho thêm những “ưu đãi khuyến mại”. Chưa có cơ quan nào thống kê và chỉ ra hết được những ưu đãi mà FDI đã và sẽ tiếp tục hưởng trong thực tế ở từng địa phương.
Vì thế, trong bối cảnh có nhiều ưu đãi như vậy, khối DN FDI đang trở lại Việt Nam: 10 tháng đầu năm nay, ghi nhận số vốn đăng ký tăng trên 65%, vốn giải ngân tăng 6% (đạt 9,6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Khả năng năm nay, Việt Nam lại vượt con số 20 tỷ USD vốn đăng ký.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT mới đây đã xác định: đã đến lúc chúng ta phải thu hút nguồn FDI đi vào thực chất. Và, như một số chuyên gia từng đề cập, không phải mọi đồng tiền FDI vào Việt Nam chỉ duy nhất với mục đích làm cho Việt Nam phát triển, dù trước mắt, có thể tạo ra... tăng trưởng.
Theo Anh Quân