MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FTA và cơ hội cho xuất khẩu

Trong các năm 2011 - 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng trưởng tương ứng là 30,7% và 27%; sang Nhật Bản là 39,5% và 25%; sang Hàn Quốc là 52,2% và 18%.

Khi khó đong đếm được chính xác lợi thế và thách thức từ các FTA, việc chủ động tham gia ngay từ các vòng đàm phán của các DN sẽ là một cách để các FTA ký kết thêm trong thời gian tới sẽ hiện thực hóa được kỳ vọng của họ trong tương lai.

Đã tận dụng được cơ hội?

8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết với các đối tác song phương và đa phương được cho là cơ hội làm bùng nổ hoạt động ngoại thương trong thời gian tới, khi mà các lộ trình cắt giảm thuế quan trở nên mạnh mẽ hơn nữa.

Thực chứng những năm gần đây cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký kết FTA với Việt Nam đều có mức tăng trưởng cao. Trong các năm 2011 - 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng trưởng tương ứng là 30,7% và 27%; sang Nhật Bản là 39,5% và 25%; sang Hàn Quốc là 52,2% và 18%.

7 tháng đầu năm 2013, ước xuất khẩu sang thị trường châu Á tăng 11,4%, chiếm tỷ trọng trên 51% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào khối ASEAN của Việt Nam tăng nhanh hơn, đạt 14,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang thị trường châu Âu tăng 25,7%, chiếm tỷ trọng trên 20,9%, trong đó khu vực đồng Euro (EU) tăng 26,9% và chiếm tỷ trọng 19%...

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, khả năng tận dụng các FTA để xuất khẩu của Việt Nam cũng khá ấn tượng, thể hiện ở tỷ lệ hàng hóa có sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ hưởng ưu đãi khá cao và có xu hướng tăng lên qua các năm. Trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu có sử dụng các loại C/O ưu đãi đạt 18 tỷ USD, chiếm 33,6% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ sử dụng C/O sang Hàn Quốc đạt 76%, Nhật Bản đạt 33%, Trung Quốc đạt 27%...

Đáng chú ý là các FTA ký kết thời gian gần đây, hoặc đang đàm phán có những điều kiện thuận lợi hơn cho DN, so với những FTA đã ký trước đây. Theo phân tích của giới chuyên gia, các FTA đã tham gia cho tới nay như với ASEAN và ASEAN+1 (ASEAN và Trung Quốc) về cơ bản là với các nước có cơ cấu kinh tế gần giống Việt Nam, thậm chí là cạnh tranh với Việt Nam. Nhưng với các đối tác mới mà Việt Nam đang tiến hành ký kết như với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan... đều thuận lợi hơn cho DN Việt Nam.

Nguyên nhân là danh mục hàng hóa xuất khẩu hai chiều giữa Việt Nam sang các đối tác FTA mới không mạng tính cạnh tranh mà bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng các bên, không chỉ là cơ hội cho xuất khẩu mà còn có thể cải thiện cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam, không làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh của các ngành kinh tế trong nước...

Hy vọng ở các vòng đàm phán mới

Đàm phán FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan khởi động cuối tháng 3/2013 đã qua vòng đàm phán thứ 2 và chuẩn bị đàm phán phiên thứ 3, dự kiến tổ chức từ ngày 9-13/9/2013 tại Cộng hòa Belarus.

Tính toán của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho thấy, việc FTA giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan có thể giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng 63%, Belarus tăng 41% và Kazakhstan tăng 8%. Việc ký kết sớm FTA cũng giúp Việt Nam có cơ hội thâm nhập các thị trường này sớm hơn với các ưu đãi hơn các đối tác khác như Trung Quốc và các nước láng giềng của Liên minh.


Xuất khẩu dệt may sang một số thị trường (Nguồn: TCHQ)

Phân tích ban đầu cho thấy, Nga, Belarus và Kazakhstan là những thị trường nhập khẩu không quá khó tính và là địa chỉ xuất khẩu cho các mặt hàng lợi thế của Việt Nam như gạo, hàng thực phẩm, may mặc, đồ da, đồ gỗ… Đây cũng là bước đệm để mở rộng khai thác nhóm thị trường rộng lớn có tài nguyên phong phú bao gồm các nước Đông Âu và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Còn với Liên minh châu Âu (EU), đàm phán FTA đã qua phiên thứ 4. Tính toán của Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên (Mutrap) cho thấy, FTA với khu vực này được hình thành sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm trung bình 4% (mức cao nhất có thể là 6% đối với những ngành mà hiện nay Việt Nam đang phải chịu đựng mức thuế nhập khẩu cao).

Bởi khi FTA với EU được ký kết, dự kiến 90% hàng hóa của Việt Nam vào khu vực này được hưởng mức thuế suất bằng 0%. Đặc biệt là với 5 nhóm hàng chính, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, gồm giày da, may mặc, cà phê, thủy sản và đồ gỗ.

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang EU đạt 2,45 tỷ USD trong khi mức thuế bình quân phải chịu là 11,7%. Nhiều dự báo cho rằng, khi FTA với EU hình thành sẽ tạo cơ hội tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, trước hàng hóa Trung Quốc và các nước chưa có FTA với khu vực này.

Nhất là khi kỳ vọng được đặt vào khu vực có quy mô thương mại lại rất lớn. GDP của khu vực vượt 1.100 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 58.000 USD/năm và tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu mỗi năm lên đến 700 tỷ USD.

Doanh nghiệp còn thiếu quan tâm

Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, thách thức đầu tiên xuất phát từ chính nội tại các DN khi khả năng tận dụng các cam kết mở cửa thị trường theo các FTA còn hạn chế. Hiện tại, không ít DN chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi thuế quan. Điều này khiến các DN tự đánh mất lợi thế cạnh tranh về thuế và làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế.

Một số DN dù có hiểu biết về quy tắc xuất xứ nhưng khi áp dụng vào thực tế còn khá lúng túng. DN cũng chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế hàng năm của các đối tác trong các FTA với Việt Nam.

Cũng chính từ nhận thức chưa đầy đủ về lợi thế FTA nên sự chuyển đổi cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất của các DN Việt Nam để đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận xuất xứ... diễn ra chậm chạp. Điều khá quan ngại là tỷ lệ hàng hóa Việt Nam có khả năng được hưởng ưu đãi thuế quan từ hiệp định FTA với EU có chiều hướng giảm, năm 2009 là 44% thì hiện chỉ có khoảng 24%.

Các chuyên gia phân tích một điểm yếu khác của xuất khẩu Việt Nam là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu dựa vào lợi thế sẵn có và chuyển dịch từ thị trường này sang thị trường khác cùng nhu cầu. Trong khi đó, DN chưa chủ động trong việc phân tích thị trường, chủ động tạo lập ra một phân khúc cạnh tranh mới cho riêng mình.

Một phần của nguyên nhân này xuất phát từ việc là chưa có ngành công nghiệp phụ trợ đủ khả năng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất mà hiện nay phải nhập khẩu nhiều từ các thị trường không được tính giá trị xuất xứ ưu đãi, đặc biệt là Trung Quốc.

Tính chủ động yếu nói trên cũng dẫn đến một thách thức khác cho DN đó là khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật như các quy định về quy chuẩn kỹ thuật kiểm dịch, hay quy chế về nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu vào EU. Thêm vào đó là thách thức về khả năng giảm thiểu chi phí thời gian và tiền bạc khi xin dấu chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi...

Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường quản lý chứng nhận xuất xứ nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN. Theo đề án này. Bộ sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cũng như nâng cấp hoàn thiện hệ thống xuất xứ điện tử eCoSys.

Ngoài ra, Bộ cũng đang nghiên cứu đề án cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho mình. Nhưng kèm theo đó, để vượt qua các rào cản hiện nay, DN cần nâng cao tính chủ động trong sản xuất kinh doanh bằng việc đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong thị trường khu vực và toàn cầu…

Và khi khó đong đếm được chính xác lợi thế và thách thức từ các FTA, việc chủ động tham gia ngay từ các vòng đàm phán của các DN sẽ là một cách để các FTA ký kết thêm trong thời gian tới sẽ hiện thực hóa được kỳ vọng của họ trong tương lai.

Theo Hồng Linh

cucpth

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên