FTA với liên minh kinh tế Á Âu: Rộng cửa xuất khẩu?
Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á Âu cam kết mở cửa thị trường xuất khẩu cho 9.927 dòng thuế (tương đương 87,4% - 95,7%). Trong đó, nhóm mở cửa hoàn toàn chiếm 84,6% - 91%; nhóm không cam kết mở cửa thị trường còn 1.433 dòng thuế (chiếm 12,6% - 4,3%).
Phát biểu tại Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu” do Trung tâm WTO tổ chức, ông Bùi Hồng Minh – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, hiệp định này sẽ mở cửa đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Cam kết mở cửa thị trường xuất khẩu cho 9.927 dòng thuế
Theo đó, ông Minh cho biết, Hiệp định cam kết mở cửa thị trường xuất khẩu cho 9.927 dòng thuế (tương đương 87,4% - 95,7%). Trong đó, nhóm mở cửa hoàn toàn chiếm 84,6% - 91%; nhóm không cam kết mở cửa thị trường còn 1.433 dòng thuế (chiếm 12,6% - 4,3%)
Đồng thời, Hiệp định cam kết cắt giảm thuế với mặt hàng dệt may ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. 82% tổng số dòng thuế cam kết cắt giảm, trong đó 42% số dòng thuế được xoá bỏ hoàn toàn, có lộ trình, tối đa trong 10 năm
Với mặt hàng giày dép, túi xách, 77% dòng thuế cắt giảm ngay, trong đó 73% xoá bỏ hoàn toàn với lộ trình tối đa 5 năm. 100% dòng thuế của các mặt hàng túi xách sẽ về 0%.
Bên cạnh đó, 95% dòng thuế các mặt hàng thủy sản và thủy sản chế biến mở cửa hoàn toàn theo lộ trình tối đa 10 năm.
Đối với đồ gỗ, 76% dòng thuế được cắt, giảm; trong đó 65% xoá bỏ hoàn toàn, lộ trình tối đa 10 năm.
Đối với mặt hàng nhựa, 100% dòng thuế được cắt giảm; trong đó, xoá bỏ hoàn toàn khoảng 97%.
Do vậy, ông Minh đánh giá, hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á Âu sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này.
“Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý quy định về mô tả hàng hoá trên C/O đối với mặt hàng giày dép và các mặt hàng thuộc nhóm T” – ông Minh lưu ý.
Rộng cửa xuất khẩu?
Cũng tại hội thảo, bà Đào Thu Hương, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á Âu hầu như không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ sung cho nhau.
Các mặt hàng Liên minh này quan tâm bao gồm sản phẩm chăn nuôi như thịt, sữa, sản phẩm từ sữa; thuốc lá; đồ uống có cồn; xăng dầu; sắt thép; máy móc thiết bị; phụ tùng ô tô và một số loại ô tô tải và xe buýt…
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ các nước EAEU chủ yếu ở các mặt hàng xăng dầu, phân bón, sắt thép, máy móc thiết bị, quặng, cao su, thuỷ sản, gỗ giấy, phương tiện vận tải và phụ tùng, nông sản.
Tuy nhiên, theo bà Hương, doanh nghiệp Việt cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do năng lực cạnh tranh chưa cao, khu vực tư nhân vẫn còn nhỏ và gặp khó khăn lớn về tài chính. Các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức ép cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng hoá nhập khẩu.
“Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần phải xác định được lợi thế của mình, định vị được ngành hàng, từ đó tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, nắm bắt đầy đủ về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn” – bà Hương cho biết.