MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gánh nặng nợ công có thể sẽ nhẹ bớt

Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi các nghị định về quản lý nợ công, trong đó, dự kiến loại bỏ chính sách bảo lãnh Chính phủ đối với tổ chức tài chính tín dụng và thắt chặt điều kiện cấp bảo lãnh. Gánh nặng nợ công nhờ vậy có thể sẽ giảm bớt.

Chiến lược nợ công và vay nợ nước ngoài giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 đã đặt ra yêu cầu hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án. Nhưng những gì diễn ra trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Báo cáo Chính phủ gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10.2014 cho biết, đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP, trong đó nợ Chính phủ 42,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,1% và  nợ của chính quyền địa phương 0,8%. Đến cuối năm 2014, nợ công tăng lên 60,3% GDP, trong đó nợ Chính phủ 46,9%, nợ Chính phủ bảo lãnh 12,6% và nợ của chính quyền địa phương 0,8%. Điều này cho thấy, nợ Chính phủ bảo lãnh vẫn tăng đều đặn. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng số nợ được Chính phủ bảo lãnh năm 2014 xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng, và dự báo gần mức 642 nghìn tỷ đồng năm 2015.

Hiện có 3 đối tượng được Chính phủ cấp bảo lãnh, gồm: các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (tuy nhiên, gần như chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được Chính phủ cấp bảo lãnh); các tổ chức tài chính, tín dụng; và các ngân hàng chính sách (Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam).

Theo nguyên tắc, vốn vay chỉ được sử dụng cho các dự án thực sự cần thiết, cấp bách trong lĩnh vực đầu tư phát triển, có khả năng thu hồi vốn và tạo nguồn để trả nợ đúng hạn. Song rất nhiều dự án không thuộc diện này, những dự án đầu tư thông thường của doanh nghiệp, lại dễ dàng vay được vốn trái phiếu hoặc được Chính phủ bảo lãnh để vay vốn. Hậu quả là các dự án không trả được nợ khiến Chính phủ phải trả thay ngày càng tăng.

Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận: số dự án được bảo lãnh của Chính phủ có khó khăn trả nợ là tương đối lớn, có nguy cơ biến thành nghĩa vụ trực tiếp của ngân sách. Tính đến hết tháng 9.2014, Quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng ra cho 12 dự án được bảo lãnh Chính phủ với số dư nợ là 6.685 tỷ đồng, gồm 7 dự án xi măng, 2 dự án giấy, 1 dự án mía đường; 1 dự án thủy điện và đường cao tốc.

Việc sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ thật ra không thành vấn đề - Ts Phan Minh Ngọc, chuyên gia của Ngân hàng Sumitomo chi nhánh Singapore bình luận - vì nó chỉ là một trong những nguồn để Chính phủ trông vào đó để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Điều thành vấn đề chính là chuyện Chính phủ đứng ra bảo lãnh các dự án đó và những dự án khác. “Sẽ có người biện hộ: việc bảo lãnh này chẳng có vấn đề gì vì các dự án này nằm trong quy hoạch, vì chúng có ý nghĩa kinh tế - xã hội, vì… và vì…

Nhưng họ cần phải thấy rằng, các quy hoạch cũng do chính con người làm ra, không thể tránh được sai sót, duy ý chí, thiếu tầm nhìn, vì lợi ích nhóm… Mà ta cũng đã thấy nhiều quy hoạch đã và đang phải sửa lại rồi đó, như quy hoạch thủy điện, mía đường, xi măng. Tương tự là chuyện các dự án mang ý nghĩa và quan trọng đối với xã hội, khi muốn thì người ta có thể vẽ ra nhiều điều hay ho mà chỉ thực tế mới cho câu trả lời chính xác”. Bởi vậy, theo Ts Phan Minh Ngọc, điều cần làm, đứng từ góc độ ngân sách, là phải hạn chế tối đa các loại bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án kinh tế thương mại thuần túy.

Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới nhằm giải quyết tình trạng nợ công đang tăng nhanh và cơ cấu nợ hiện chưa bền vững. Liên quan tới nợ Chính phủ bảo lãnh, Thủ tướng chỉ đạo: siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; thực hiện tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu hồi nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

Trên tinh thần này, Bộ Tài chính đã đề xuất loại bớt đối tượng được cấp bão lãnh là các tổ chức tài chính tín dụng để tập trung vào các dự án trọng điểm, qua đó, giảm quy mô và tốc độ phát triển nợ công. Hiện nay, Chính phủ cấp bảo lãnh cho các ngân hàng chủ yếu qua hình thức bảo lãnh các khoản tín dụng của một số ngân hàng cho doanh nghiệp vay đầu tư các dự án lớn, nhiều nhất là dự án đầu tư các nhà máy điện. Đây cũng là một nguyên nhân làm dư nợ công tăng mạnh trong các năm qua. Vì vậy, đề xuất của Bộ Tài chính nếu được thông qua, sẽ góp phần giảm quy mô và tốc độ phát triển nợ công.

Theo Tiểu Phong

PV

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên