MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gánh nặng từ Dự án cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình

Sẽ có không ít hệ lụy từ việc Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phải lùi thời hạn hoàn thành đến tận cuối quý III/2012.

Sẽ có không ít hệ lụy từ việc Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phải lùi thời hạn hoàn thành đến tận cuối quý III/2012.

Thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hồi đầu tuần cho biết, Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình phải đến gần cuối năm sau mới có thể khai thác toàn tuyến thực sự gây rất nhiều nuối tiếc.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng đã có văn bản số 4292/BGTVT – CQLXD đã đồng ý với đề xuất xin gia hạn tiến độ 11 gói thầu xây lắp thuộc Dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Theo đó, 6 gói thầu (1, 2, 3.1A, 3.1B, 3.1C, 3.2) thuộc phần đầu tuyến được gia hạn tiến độ đến 30/9/2011; Gói thầu số 4 được gia hạn đến 31/12/2011; 3 gói thầu (5, 6, 7) được gia hạn đến 30/6/2012; Gói thầu số 10.1 được gia hạn đến hết 30/9/2012.

Đây là lần thứ tư, chủ đầu tư tuyến cao tốc này phải làm một việc đặng chẳng đừng: lùi thời gian hoàn thành.

Cần phải nói thêm rằng, theo Quyết định 2430/QĐ-BGTVT (ngày 6/8/2007) của Bộ GTVT, Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (giai đoạn I) sẽ phải hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV/2010.

Tuy nhiên, ngay cả khi VEC chấp nhận mất thêm 2 năm thi công so với yêu cầu ban đầu của Bộ GTVT, có không ít ý kiến lo ngại về việc Dự án khó có thể khai thác toàn tuyến vào 30/9/2012.

“Tiến độ vừa được điều chỉnh dựa trên những điều kiện tối ưu. Trong khi đó, ba nút thắt đeo đẳng Dự án suốt thời gian qua là: vốn, mặt bằng, cơ chế điều chỉnh giá cho các đơn vị thi công hiện chưa có tín hiệu được giải quyết tích cực”, một lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết.

Trên thực tế, từ giữa tháng 10/2010 tới nay, tiến độ thi công tại 11 gói thầu xây lắp đều chững lại do giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng đột biến.

“Sau khi đã dành một khoản lớn để thanh toán các khối lượng cho nhà thầu, số tiền thu về khoảng 1.100 tỷ đồng từ 2 đợt phát hành trái phiếu công trình thành công hồi đầu năm là không đủ để thi công nốt 23 km đầu tuyến thuộc 6 gói thầu vào ngày 30/9”, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC thừa nhận.

“Điều đáng lo ngại là khả năng phát hành thành công trái phiếu công trình trong thời gian tới là rất thấp. Nếu VEC không nhận được sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, đặc biệt là việc bổ sung, ứng trước khoảng 3.500 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng mục tiêu thông xe toàn tuyến vào tháng 9/2012 sẽ lại bị vỡ”, ông Trần Xuân Sanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC cảnh báo.

Bên cạnh đó, dù khối lượng thi công còn lại không lớn so với giá trị hợp đồng, nhưng hầu hết đều rơi vào việc thảm bê tông nhựa, hạng mục “ngốn nhiều tiền nhất”, một nhà thầu thi công tại Dự án cho biết. Do biến động giá quá lớn, hiện giá một tấn bê tông nhựa asphalt sau khi đưa ra đến hiện trường đã lên tới 1,7 – 1,8 triệu đồng, vượt rất xa giá trúng thầu của hầu hết các hợp đồng tới 3 – 4 lần và vì thế các nhà thầu thi công trên tuyến đều đang bị lỗ rất nặng đối với hạng mục này. Trong khi cơ chế điều chỉnh giá không bù đắp nổi tốc độ trượt giá, không nhà thầu nào dám vay nặng lãi đưa vào thi công.

Được biết, trong một cuộc kiểm tra công trường gần đây, lãnh đạo Bộ GTVT đã đánh giá: tình hình tài chính của hầu hết đơn vị thi công rất yếu, không có khả năng tự huy động vốn thực hiện nốt hợp đồng.

Ngoài 2 nút thắt kể trên, trên tuyến vẫn còn khoảng 20 điểm vướng mặt bằng thuộc hai tỉnh Hà Nam và Nam Định. Tuy khối lượng nhỏ, nhưng tại các điểm “xôi đỗ”, nhà thầu thường xuyên bị dân cản trở trong quá trình thi công.

Hiện tại, áp lực Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đang đè nặng lên VEC. Ngoài việc hơn 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào công trình dang dở không có công năng sử dụng, VEC chỉ có 1.000 tỷ đồng vốn điều góp vào Dự án, số tiền còn lại phải huy động từ nguồn trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ. Với mức lãi suất trái phiếu bình quân sau các đợt phát hành từ 2004 tới nay đã lên tới 15%/năm, nếu để kéo dài thêm, VEC sẽ phải đối mặt với việc Dự án không có khả năng hoàn vốn.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là lãng phí lớn nhất, bởi hành trình từ Hà Nội tới Ninh Bình trong 1 năm tới vẫn sẽ phải dựa cả vào Quốc lộ 1 đã quá tải, xuống cấp trầm trọng.

Theo Anh Minh

Báo Đầu tư

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên