MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GDP tăng 6 – 6,25%, nguy cơ giảm phát?

Để nền kinh tế tránh xa vùng giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần đạt được từ mức 6,5% trở lên, song nếu nền kinh tế chỉ tăng trưởng ở mức 6 – 6,25%, xác suất rơi vào tình trạng giảm phát là tương đối lớn.

Nhận định trên được TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế tài chính (Học viện tài chính) đưa ra tại buổi Hội thảo Diễn biến giá cả, thị tường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo diễn ra sáng 30/6 tại Hà Nội.

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6/2015 tăng 0,55% so với tháng 12/2014 và chỉ tăng 1% so với cùng kỳ kỳ năm trước. Như vậy, tốc độ lạm phát trong vòng 1 năm qua đang có xu hướng giảm mạnh, nền kinh tế đang ở tươi đối gần mức lạm phát 0%, đồng thời lại đang ở rất xa mức lạm phát mục tiêu là 5%.

Theo TS. Độ, tình trạng lạm phát thấp không phải bây giờ mới xuất hiện, khi tốc độ lạm phát tháng 12/2014 so với cùng kỳ năm trước giảm xuống mức 1,845, vấn đề lạm phát thấp đã được đặt ra. Trong khi đó, kể từ năm 2008 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn trong tình trạng thấp hơn mức tiềm năng (khoảng 6,5%), tức là tốc độ tăng của tổng cầu luôn yếu hơn tốc độ tăng của tổng cung. Điều này khiến cho chênh lệch tổng cầu, tổng cung liên tục giảm và kéo theo lạm phát giảm theo.

“Đứng trên quan điểm tổng cầu là yếu tố tác động lâu dài và mang tính quyết định, xu hướng lạm phát giảm sẽ chỉ dừng lại khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng từ 6,5% trở lên. Do đó, với mô hình dự báo lạm phát trên cơ sở chênh lệch tổng cầu – tổng cung cho kết quả là lạm phát tháng 12/2015 so với cùng kỳ năm trước sẽ ở mức 0,9%”, TS. Độ nhận định.

Với các kịch bản lạm phát được đưa ra, TS. Độ cho rằng để nền kinh tế tránh xa vùng giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần đạt được từ mức 6,5% trở lên. Nếu nền kinh tế chỉ tăng trưởng ở mức 6 – 6,25%, xác suất rơi vào tình trạng giảm phát là tương đối lớn.

Do đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 6,28% trong 6 tháng đầu năm 2015, nguy cơ nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát đang lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao quay trở lại trước đây.

Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP cho giai đoạn 2016 – 2020 ở mức 6,5% - 7%, đây là mức tăng GDP cần tiến tới để tránh rơi vào tình trạng giảm phát. Song theo TS. Độ, làm thế nào để đạt được mức tăng trưởng này là thách thức lớn?

San Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên