MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GDP tăng trưởng vượt dự báo: “Quả ngọt” từ những nỗ lực vượt khó?

GDP quý sau cao hơn quý trước cho thấy những nỗ lực không ngừng của cả nền kinh tế. Đầu tư tăng, xuất khẩu “cán đích” ngoạn mục và cán cân thương mại tiếp tục thặng dư …

Từ những “băn khoăn” và “hoài nghi” …

Vào tháng 9 vừa qua, Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 từ 5,6% xuống còn 5,5%. Nguyên nhân của việc hạ dự báo là do tốc độ tăng trưởng thực tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,2%; thấp hơn so với kỳ vọng; tăng trưởng tín dụng thấp và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chậm.

Trước đó, các chuyên gia kinh tế Bloomberg dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2014 sẽ duy trì ở mức 5,7%. Ngân hàng thế giới (World Bank) dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam chỉ đạt 5,4%; trong khi Ngân hàng ANZ giữ mức dự báo tăng trưởng này là 5,6%.

Trong một báo cáo công bố vào tháng 10/2014, Glenn Maguire và Eugenia Fabon Victorino – hai chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ cho biết, họ “hoài nghi” về tốc độ tăng trưởng quý III của Việt Nam bởi hầu hết các chỉ số phát triển kinh tế đều thấp hơn chỉ số của cùng kỳ năm trước.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII diễn ra từ ngày 20/10-28/11, các Đại biểu tham dự kỳ họp đã trao đổi và thảo luận nhiều vấn đề về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 – kế hoạch năm 2015; trong đó tốc độ cũng như chất lượng tăng trưởng GDP là một trong những vấn đề gây “nóng” bàn nghị sự.

Theo thông báo chính thức, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho cả năm 2014 là 5,8% -  mức tăng trưởng dưới 7% trong 7 năm liên tiếp và là thời kỳ dài nhất kể từ những năm 1980 khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa (theo số liệu của Quỹ Tiền tệ thế giới - IMF).

Đến những con số “biết nói”

Ngày 27/12 mới đây, Tổng cục thống kê công bố tình hình kinh tế - xã hội năm 2014. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tăng 5,98% so với năm 2013, trong đó quý I tăng 5,06%; quý II tăng 5,34%; quý III tăng 6,07%; quý IV tăng 6,96%.

Mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013; đồng thời là mức tăng trưởng vượt mọi dự báo. “GDP tăng trưởng vượt dự báo cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế” – Đại diện Tổng cục thống kê cho biết.

Trong mức tăng 5,98% của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,14%, cao hơn nhiều mức tăng 5,43% của năm trước, đóng góp 2,75 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,96%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013, đóng góp 0,61 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Đồng thời, Tổng cục thống kê cũng cho biết, cơ cấu nền kinh tế năm 2014 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,12%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,50%; khu vực dịch vụ chiếm 43,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2013 là: 18,38%; 38,31%; 43,31%).

Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2014, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,2% so với năm 2013; đóng góp 4,72 điểm phần trăm vào mức tăng chung (tiêu dùng cuối cùng của người dân tăng 6,12%; cao hơn mức tăng 5,18% của năm trước); tích lũy tài sản tăng 8,90%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm.

GDP tăng trưởng vượt mọi dự báo: “Quả ngọt” từ những nỗ lực vượt khó của cả nền kinh tế

Với mức tăng trưởng 5,98%, năm 2014 không chỉ là năm đầu tiên trong Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, mà còn vượt mọi dự báo. Trước đó, không chỉ các cơ quan hoạch định chính sách, mà cả các chuyên gia kinh tế cũng đều dự báo rằng, tăng trưởng GDP năm 2014 khó đạt mục tiêu đề ra và chỉ có thể đạt khoảng 5,4 - 5,5%.

GDP quý sau cao hơn quý trước cho thấy những nỗ lực không ngừng của cả nền kinh tế. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Bloomberg, GDP quý IV tăng trưởng “ngoạn mục” nhờ các ngân hàng nới lỏng chính sách tín dụng và tăng cường hoạt động cho vay. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài tăng cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu gia tăng.

Tờ Bloomberg dẫn nhận xét của ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay: "Mức tăng trưởng của Việt Nam phần lớn nhờ vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã dần ấm lên, mặc dù tăng trưởng vẫn còn khá mong manh".

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, sự phục hồi của nền kinh tế được thể hiện chủ yếu ở khu vực công nghiệp - xây dựng với tốc độ tăng trưởng đạt 7,14% (cao hơn mức tăng 5,43% của năm 2013) và đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Bên cạnh đó, một minh chứng rõ nét cho sự phục hồi của nền kinh tế là con số 150 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước năm 2014. Đây là năm đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam “cán đích” 150 tỷ USD và cũng là năm đầu tiên Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục - lên tới gần 2 tỷ USD; đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007.

>>>GDP năm 2014 ước tăng 5,98%

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên