MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá điện cõng biệt thự: Thanh tra đúng nhưng... "cần thêm thời gian"

Kết quả thanh tra tại VCCI, Agribank, thanh tra vàng... cũng chưa có do "tính phức tạp, nhạy cảm của nội dung thanh tra", Thanh tra Chính phủ "cần thêm thời gian".

Thanh tra Chính phủ "cần thêm thời gian"
 
Liên quan đến kết luận thanh tra tại Tập đoàn Điện lực EVN, ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tại cuộc họp báo quý IV diễn ra vào ngày 10/1: "Về mặt tổng quan xin khẳng định lại, các thông tin trước đây chúng tôi đã nêu những nội dung cơ bản không thay đổi. Tuy nhiên, có nhiều nội dung sau kết luận của Thủ tướng, có những việc Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý ở những cuộc làm việc trước, có những nội dung EVN, các bộ liên quan đã giải trình".
 
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ tiếp tục chỉ ra, công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp số tiền gần 122.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có gần 77.000 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ số tiền trên 45.000 tỷ đồng.
 
Đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền gần 2.000 tỷ đồng vượt tỷ lệ quy định; việc đầu tư vốn ra ngoài DN chưa mang lại hiệu quả kinh tế. 
 
Hơn 2 tháng sau kết luận đầu tiên của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, đến thời điểm này, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, chưa có ý kiến chính thức kết luận của Thủ tướng.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra một loạt sai phạm của EVN 
 
Công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí cho sản xuất điện trong năm 2011 tại 11 dự án số tiền gần 224 tỷ đồng. 
 
Công ty mẹ EVN chưa xây dựng được quy định về việc trả lương, phụ cấp, tiền thưởng và chế độ khác cho người đại diện; phê duyệt định biên lao động chưa chính xác, còn có sự chênh lệch lớn giữa lao động kế hoạch và lao động thực tế sử dụng nhưng chậm sửa đổi.. 
 
Hơn 2 tháng sau kết luận đầu tiên của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, đến thời điểm này, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, chưa có ý kiến chính thức kết luận của Thủ tướng.
 
Trong khi Thanh tra Chính phủ nhất mực bảo vệ quan điểm của mình khi chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN, EVN đã phản đối kết luận của đơn vị này.
 
Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm của EVN, chiều 8/10, Chủ tịch EVN Hoàng Quốc Vượng lên tiếng giải thích. 
 
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, việc đầu tư ra ngoài và đầu tư ngoài ngành là khác nhau. "Kết luận của Thanh tra Chính phủ nói khoản 121.000 tỷ là “đầu tư ra ngoài công ty mẹ EVN”. 
 
"Khoản đầu tư ra ngoài này hầu hết là những khoản đầu tư trước đây EVN xây dựng các nhà máy điện. Khi các nhà máy điện này cổ phần hóa, thì vốn đó được coi là đầu tư ra ngoài công ty mẹ. Còn đầu tư ngoài ngành, vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... hiện nay xin khẳng định EVN chỉ có khoảng trên 2.000 tỷ và đang được xử lý, thoái vốn theo chỉ đạo", ông Vượng nói.
 
Về việc đầu tư biệt thự, sân tennis, mua siêu xe tính vào giá thành nhà máy, tăng giá thành điện, ông Vượng cho biết, trong các hạng mục một dự án, thông thường để tiết kiệm chi phí ăn ở, di chuyển cho chuyên gia nước ngoài, cán bộ có trình độ cao... thì có xây dựng hạ tầng, nhà ở ngay cạnh công trình. 
 
"Vận hành nhà máy điện trị giá hàng tỷ USD, cần những người tài, có trình độ. Các nhà máy điện lại thường ở vùng sâu, xa nên hạ tầng tốt theo tôi là cần thiết để họ yên tâm công tác", ông Vượng giải thích.
 
Theo suy luận của ông Hoàng Quốc Vượng, kết luận của thanh tra không có vấn đề gì nhưng do kết luận không thể dài quá, nên có những điểm ngắn gọn diễn đạt người trong ngành có thể hiểu, nhưng người dân bình thường có thể chưa hiểu hết.
 
Nhà mạng phớt lờ kết luận thanh tra
 
Liên quan đến việc các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone thu hàng nghìn tỷ từ việc tự ý cài đặt ứng dụng, hơn nửa tháng (từ ngày 25/12/2013 đến ngày 8/1/2014), Thanh tra Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải khắc phục và có cảnh báo rõ ràng khi đưa ra dịch vụ và công bố mức phí khách hàng có thể bị mất khi lựa chọn dịch vụ này, tránh tình trạng “gài bẫy” khách hàng. 
 
Phớt lờ kết luận thanh tra, nhà mạng vẫn
Phớt lờ kết luận thanh tra, nhà mạng vẫn "luộc" tiền khách hàng
 
Nhưng tình trạng tự ý cài đặt ứng dụng, trừ tiền của khách hàng vô tội vạ vẫn ngang nhiên diễn ra, phớt lờ kết luận thanh tra, như thách thức các cơ quan quản lý.
 
Theo phản ánh của khách hàng, khi kích hoạt dịch vụ Super Sim và LiveInfo của MobiFone khách hàng đã bị trừ 2.000 đồng cho một lần chọn Kết quả bóng đá. Như vậy, từ sự lập lờ, không rõ ràng nhà mạng có thể thu về cả tiền trăm từ sự thiếu hiểu biết của khách hàng. 
 
Tương tự, với dịch vụ IOD của VinaPhone cũng vậy, khách hàng nghiễm nhiên bị trừ 500 đồng cho một lần lựa chọn tiêu đề dịch vụ. 
 
Theo giải thích của nhân viên tổng đài MobiFone, đó là yêu cầu của thanh tra bộ với lãnh đạo nhà mạng. Đến thời điểm này dịch vụ tích hợp sẵn được cài đặt trên sim vẫn đang được thực hiện. Kết luận của thanh tra Bộ TT&TT thế nào giao dịch viên của nhà mạng vẫn chưa nắm được (!?). 
 
Về phía nhà mạng, hiện tại đã có sự cải thiện trong việc cung cấp dịch vụ này.
 
"Trước đây, khi đấu nối dịch vụ với sim mới, dù không cần kích hoạt dịch vụ vẫn tự động mở và khách hàng sẽ bị mất phí nếu kích vào các tiêu đề của dịch vụ được mở sẵn trên máy. Nhưng hiện tại, dịch vụ không được mở tự động nữa, chỉ khi khách hàng lựa chọn dịch vụ này thì mới bị mất phí", nhân viên tổng đài giải thích.
 
Tuy nhiên, kể cả với việc thay đổi này thì nhà mạng cũng vẫn chưa đưa ra cảnh báo khách hàng sẽ bị mất phí khi lựa chọn dịch vụ. Cũng có nghĩa nhà mạng cứ cung cấp dịch vụ, khách hàng lựa chọn thì mất phí, không chọn thì không mất, nếu có nhỡ tay thì phải chịu?
 
Về phía tổng đài VinaPhone thì giải thích: "Hiện tại chưa có chỉ đạo nào từ phía lãnh đạo là phải dừng cung cấp dịch vụ này. Kết luận thanh tra là việc của cơ quan thanh tra và lãnh đạo nhà mạng, chỉ khi nào có chỉ đạo dừng dịch vụ lúc đó nhà mạng mới dừng cung cấp dịch vụ", nhân viên này cho biết.
 
Theo Phương Mai 

thunm

Báo Đất Việt

Trở lên trên