MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá điện: Hướng tới công khai, minh bạch

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân từ năm 2013-2015 (chưa tính thuế VAT) sẽ từ 1.437-1.835 đồng/kWh.

Với mức tăng tối đa đến năm 2015 là 1.835 đồng/kWh, giá điện sẽ tăng thêm gần 22% so với hiện nay.

Giải đáp băn khoăn của người dân về lộ trình tăng giá khi nào sẽ đạt mức 1.835 đồng/kWh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri - cho biết, việc ban hành quyết định khung giá điện nhằm cụ thể hóa mức tối thiểu và mức tối đa được phép điều chỉnh đến năm 2015 chứ không có nghĩa tăng ngay giá điện. Nói cách khác, khung giá từ 1.437-1.835 đồng/kWh cũng không có nghĩa đến năm 2015 giá điện chắc chắn sẽ là 1.835 đồng/kWh. 

Việc điều chỉnh mức giá điện tăng hay giảm trong từng giai đoạn cụ thể sẽ phụ thuộc sự điều chỉnh giá nhiên liệu, biến động tỷ giá, cơ cấu nguồn sản xuất điện trong giai đoạn đó. Hơn nữa, giá điện là yếu tố rất nhạy cảm, tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế, xã hội nên phải chọn thời gian thích hợp. 

Dù đã có khung nhưng mỗi lần điều chỉnh, EVN vẫn phải làm các thủ tục theo đúng quy định như tính toán, đề xuất, được các bộ, ngành xem xét, thẩm định...

Cũng theo lãnh đạo EVN, từ nay đến cuối năm, cơ bản không điều chỉnh giá điện. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân phù hợp với biến động của chi phí sản xuất, kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo các chuyên gia, tăng giá điện là việc tất yếu trong điều kiện hiện nay, bởi lẽ, giá điện ở Việt Nam hiện vẫn chưa theo kịp thị trường nên chưa khuyến khích được đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào ngành điện để đảm bảo nhu cầu điện đến năm 2020 lên tới 75.000MW.

 Trong khi hầu hết các dự án điện ở Việt Nam đều phải huy động vốn vay từ nước ngoài. Nếu không đưa giá điện tiệm cận với thị trường thì sẽ rất khó thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, Việt Nam sẽ có nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, nếu đạt tới mức giá 1.835 đồng/kWh (chưa kể VAT), giá điện sẽ khoảng 9 cent/kWh, tương đương nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, mong mỏi của khách hàng là EVN phải đảm bảo chất lượng điện tương xứng với việc tăng giá điện. 

Mặt khác, cần công khai, minh bạch giá điện trên cơ sở công khai các yếu tố giá nguyên nhiên liệu đầu vào như dầu, khí, than, chi phí kinh doanh, nhân công, trích lợi nhuận, khấu hao của EVN và các loại thuế… Đồng thời, cần có sự tuyên truyền, giải thích rõ ràng tạo sự đồng thuận của người dân.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tháng 8 vừa qua, nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, dù điều chỉnh thế nào, Chính phủ vẫn có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, đồng thời tiếp tục nghiên cứu chính sách để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Đồng thời, giá điện sẽ phải công khai, minh bạch cho người dân được biết.

Theo Ngọc Loan

cucpth

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên