MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá điện mập mờ, EVN đang đẩy bất lợi cho người dùng

Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tự quyết định giá điện dẫn đến có thể có nhiều yếu tố không khách quan, có lợi cho bên sản xuất, không minh bạch, ảnh hưởng nhiều đến yếu tố giảm giá thành.

Đó là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn Cơ sở khoa học của việc tính giá điện tổ chức ngày 16/10/2015 tại Hà Nội.

Quy định hiện nay cho phép nhà sản xuất được quyền điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố hình thành giá. Tuy nhiên, theo TS. Ngô Đức Lâm - Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, việc tạo ra một cơ chế thông thoáng có thể dẫn đến những hạn chế, tiêu cực.

Thiếu công bằng EVN được tự quyết giá

Điều này làm triệt tiêu động lực, phấn đấu bảo toàn vốn của DN, giảm giá thành của điện năng. Do vậy, tính minh bạch sẽ bị hạn chế và không đảm bảo tính công bằng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng như luật quy định.

Đáng chú ý, trong các chi phí cấu thành nên giá điện thì chỉ có 2 chi phí là khấu hao và định mức lương là do Nhà nước quy định. Còn lại các chi phí khác hoàn toàn do EVN tự quyết định.

“Vấn đề EVN tự quyết định dẫn đến có thể có nhiều yếu tố không khách quan, có lợi cho bên sản xuất, không minh bạch, ảnh hưởng nhiều đến yếu tố giảm giá thành” - ông Lâm đánh giá.

Việc công khai, minh bạch giá thành sản xuất điện cũng được Bộ Công Thương và EVN công khai hàng năm. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng việc minh bạch trên vẫn chưa đủ, bởi điều quan trọng nhất của các loại giá là cần công khai các yếu tố đầu vào để tính toán chi phí.

Vị chuyên gia trên cho rằng: “trong các yếu tố đầu vào, có thể có những yếu tố chưa minh bạch, chưa đúng mà người tiêu dùng cần biết”.

Dẫn chứng từ năng suất lao động trong ngành điện lực, ông Lâm cho rằng 1 kWh điện hiện đang phải gánh quá nhiều chi phí, từ khâu sản xuất đến các khâu trung gian.

Bởi trong quy định hiện nay, giá thành không những gánh chi phí trả lương cho lao động trực tiếp, lao động gián tiếp của EVN, mà những người không trực tiếp như Công đoàn, Thanh niên, Dân quân tự vệ, Bảo vệ… cũng được tính vào giá thành.

EVN đang đẩy bất lợi phía người dùng

Đặc biệt, tỷ lệ tổn thất truyền tải còn quá lớn. Năm 2013 tỷ lệ này là 8,8% (trong khi Thủ tướng yêu cầu là 8%) và năm 2014 đã tăng > 9%. Theo tính toán của ông Lâm, nếu tăng thêm 1% tổn thất điện năng, thì sẽ mất đi 1,1 tỷ kWh.

“Chi phí cho truyền tải năm 2013 là 79,9 đồng/1kWh, năm 2015 đã được tính là 104 đồng/kWh, mà nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí chính là tăng tổn thất truyền tải này”, ông Lâm nói.

Trong khi đó, mới đây EVN đưa ra ba phương án giá điện mới do chính nhà đèn xây dựng trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập. Song theo đánh giá của ông Lâm, biểu giá điện này mới chỉ phục vụ cho lợi ích của người sản xuất, khi chỉ bảo vệ lợi ích của EVN trong mọi tình huống và đẩy mọi trách nhiệm về phía người tiêu dùng.

Vị chuyên gia này đặt ra câu hỏi: Vì sao phải đảm bảo bảo vệ nguyên vẹn doanh thu của ngành điện và có lãi, đảm bảo giá bán lẻ bình quân 1.747 đồng/kWh trong khi tính minh bạch chưa được làm rõ?

Đặc biệt, tại sao lại đặt vấn đề dùng biện pháp giá hạn chế sử dụng điện đối với người tiêu dùng, mà không áp dụng biện pháp giá để bắt buộc tiết kiệm đối với ngành điện như là tiết kiệm điện tự dùng và tổn thất truyền tải?

Những phạm trù giá theo cơ chế thị trường, tức là dùng nhiều thì giá càng thấp, với phạm trù Giá theo Luật khuyến khích tiết kiệm chống lãng phí (dùng càng nhiều thì giá càng cao) cũng chưa được giải quyết thấu đáo và đảm bảo tính hài hòa.

Vấn đề giải quyết những nhược điểm của phương án lũy tiến cũng chưa được đưa ra cụ thể. Ông Lâm đặt câu hỏi: Liệu những tồn tại như: Ghi số điện không chính xác, công tơ chạy không chính xác, đặt công tơ như thế nào để ở đâu có thể tự theo dõi được và kiểm định công tơ có khách quan, có chuyển sang đơn vị giá điện cho khách quan cũng chưa được giải quyết?

Với những bất cập trên, vị chuyên gia này cho rằng cần cho áp dụng phương án hiện tại, song những cơ quan có trách nhiệm như Bộ Công Thương và các Bộ có liên quan cần nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng và công bằng. Đồng thời, cần tăng cường giám sát của Nhà nước đối với ngành điện trên cơ sở tổ chức giám sát chuyên đề để đảm bảo tính minh bạch cho người dùng.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên