Giá thành tăng 3-5%, EVN được tự điều chỉnh giá điện?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được tự điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức 3% đến 5% khi các thông số đầu vào cơ bản thay đổi tương ứng, với thời gian điều chỉnh giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 03 tháng.
- 06-01-2016EVN: Doanh thu năm 2015 tăng vọt lên 223.710 tỷ đồng nhờ tăng giá điện và sản lượng tiêu thụ
- 04-01-2016“Rục rịch” tăng giá điện, dịch vụ công: Từ mối lo tăng trưởng đến túi tiền của người dân
- 09-12-2015Giá điện Việt Nam có thể giảm xuống 0 đồng?
- 31-10-2015Giá điện: Cần minh bạch hệ thống chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật
- 18-09-2015Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt như thế nào là hợp lý?
Thông tin trên được đưa ra tại Dự thảo Quyết định Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân vừa được Bộ Công Thương đưa ra để lấy ý kiến.
Ngoài ra, một thông tin mới được đưa ra trong Dự thảo là sẽ thành lập quỹ bình ổn giá điện để thực hiện mục tiêu bình ổn giá điện. Nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.
Quỹ bình ổn giá điện được trích lập khi các yếu tố đầu vào của giá bán điện biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết.
Theo đó, EVN sẽ thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện theo hướng dẫn của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Việc điều chỉnh giá điện sẽ được thực hiện trên cơ sở các thông số đầu vào cơ bản biến động, cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện). Cụ thể:
Nếu giá thành sản xuất điện tăng từ 3% đến 5% và trong khung giá quy định, EVN sẽ được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra theo đúng quy định.
Nếu giá thành tăng trên 5% hoặc giá bán điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Hằng năm, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện của các khâu sau khi EVN có báo cáo kiểm toán. EVN sẽ xây dựng phương án giá bán điện bình quân trình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Bộ Công Thương sẽ là đơn vị kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân theo quy định. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân. Bộ Công Thương được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra hồ sơ điều chỉnh giá bán điện bình quân.
Trí Thức Trẻ