MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng dầu trong nước vẫn giảm chậm

Giá dầu thô tiếp tục xu hướng giảm sâu trên thị trường thế giới và hiện ở mức thấp kỷ lục trong vòng 12 năm qua. Bộ Tài chính trong một động thái mới nhất cho biết đã xây dựng kịch bản giá dầu thấp, ở mức 30USD/thùng, chấp nhận một thực tế là giá dầu sẽ giảm mạnh tỉ trọng trong cân đối ngân sách.

Mức độ giảm giá của xăng, dầu trong nước vẫn thấp hơn mức giảm của giá dầu thế giới. Điều này khiến người dân không được hưởng nhiều lợi ích từ giá xăng dầu.

Xăng dầu Việt Nam đắt vì thuế

Theo website Globalpetrolprices (trang cập nhật giá xăng dầu của các quốc gia), tại thời điểm ngày 11.1.2016, xăng Việt Nam đang có giá là 0,75USD/lít và thấp hơn so với các nước xung quanh cùng ngày như Thái Lan, Philippines, Campuchia hay Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên so với các nước có tiềm năng dầu khí tương tự Việt Nam là Malaysia (0,42USD/lít), Brunei (0,37USD/lít), Indonesia (0,62USD/lít) và Mỹ (0,59USD/lít), giá xăng Việt Nam cao hơn đáng kể.

Giá xăng Việt Nam đắt hơn giá xăng Mỹ là một thực tế mà nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo. Sự khác biệt về giá là do chính sách của từng nước đối với loại nhiên liệu quan trọng này.

Ở Việt Nam, giá xăng hiện đang phải “cõng” tới 13 loại thuế và phí, trong đó ngoài thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT (tính trên đầu lít xăng), xăng dầu còn chịu thuế bảo vệ môi trường (tăng từ 1.000đ lên 3.000đ/lít xăng), quỹ bình ổn giá, trích lợi nhuận định mức, chi phí định mức của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu, bất kể chi phí kinh doanh của các CN là khác nhau.

Mới đây, lý giải cho việc giá dầu thô hiện giảm tới hơn 40% nhưng giá xăng bán lẻ trong nước chỉ giảm khoảng 12% và giá dầu bán lẻ chỉ giảm 30%, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Giữa giá dầu thô và giá bán lẻ xăng dầu thành phẩm là 2 khái niệm không thể đồng nhất về tỉ lệ giảm giá. Theo tính toán của Bộ Tài chính, chi phí dầu thô trong giá xăng chỉ khoảng 40% và trong giá dầu là 50%, những chi phí khác như sản xuất, lưu thông tương đối cố định, thậm chí có thời điểm tăng lên. Vì vậy, không thể tính giá dầu thô giảm 40%, giá bán lẻ xăng dầu cũng phải giảm tương ứng.

Nhiều bất hợp lý

Theo PGS - TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cách lý giải của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chưa hoàn toàn thuyết phục, bởi nếu giá dầu thô là nguyên liệu đầu vào giảm sẽ tạo điều kiện giảm các loại chi phí khác, trừ thuế do Nhà nước ấn định. Do thuế và phí vẫn ở mức cao nên người tiêu dùng trong nước đã bị mất đi cơ hội được hưởng xăng dầu thấp tương ứng với mức giảm của giá xăng dầu thế giới. “Điều này là một bất hợp lý” - TS Ngô Trí Long nói.

Liên quan đến giá xăng dầu tăng, giảm chưa sát với giá thế giới, dù đã được ghi nhận là khá minh bạch so với trước đây, mới đây khi trả lời báo chí liên quan đến công tác điều hành giá xăng dầu năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2016, định hướng điều hành giá xăng bán lẻ trong nước sẽ tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường, có lên, có xuống và có khả năng sẽ được chỉnh theo giá hằng ngày.

Như vậy, nếu được thực hiện, giá xăng dầu được kỳ vọng sẽ tăng, giảm đúng thời điểm, phù hợp với giá thị trường hơn.

Năm 2008 giá dầu giảm từ 140 USD/thùng (tháng 7) xuống 40 USD/thùng (tháng 12), tương đương với tỉ lệ giảm 72%, giá xăng RON92 trong nước từ 19.000 đ/lít theo đó giảm còn 11.000 đ/lít. Hiện giá dầu đang từ mức 77,42 USD/thùng (tháng 7.2015) giảm xuống 30 USD/thùng (1.2016), tương đương với tỉ lệ giảm 62%. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước đến nay chỉ giảm 3.980 đ/lít.

 

 

Theo Hồng Quân - Thống Chí

Lao động

Trở lên trên