MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc WB: Kinh tế Việt Nam khiến tôi bất ngờ và ấn tượng

“Mặc dù có sự lên xuống của nền kinh tế vĩ mô nhưng sau 3 năm, đến nay lạm phát đã được duy trì ở mức thấp, tỷ giá cũng tương đối ổn định, giá trị tiền đồng đã có sự đảm bảo cao hơn, huy động tiền đồng cũng đang tăng, thanh khoản không còn là vấn đề khó khăn đối với hệ thống ngân hàng nữa,”

Đó là chia sẻ của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhân dịp đầu Xuân năm mới.

Xin cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn. Được biết, bà đã có 5 năm chứng kiến nhiều bước thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam, vậy ấn tượng của bà về kinh tế năm 2014 của Việt Nam là gì?

Bà Victoria Kwakwa: Năm 2014, kinh tế Việt Nam đã có một số điểm sáng nổi bật đáng ghi nhận. Trong đó, có hai điểm chính gây bất ngờ đối với tôi. Thứ nhất, đó là sự tăng trưởng thần kỳ trong lĩnh vực xuất khẩu linh, phụ kiện điện tử. Kết thúc năm 2014, có khoảng 30-35% giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thuộc về các mặt hàng linh, phụ kiện điện tử, bao gồm các sản phẩm phục vụ cho việc sản xuất điện thoại Samsung smartphone… Đây là một thành tựu đáng chú ý.

Nó cho thấy những thay đổi mang tính chiến lược trong xuất khẩu của Việt Nam và góp phần cho thấy những tiềm năng phát triển của nền kinh tế trong tương lai. Chúng ta cần phải quan sát và chắc chắn rằng trong tương lai Việt Nam sẽ tiến xa hơn chứ không chỉ dừng lại ở gia công, lắp ráp.

Một điểm khác nữa cũng gây bất ngờ đối với tôi. Đó là, nếu như năm 2001, giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ vào khoảng 15 tỷ USD, thì tới năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu được 150 tỷ USD, tăng gấp mười lần so với thời điểm 13 năm trước đó.

Ngoài ra, một vấn đề nữa cũng gây ấn tượng không kém đó là số lượng các Hiệp định mà Việt Nam đã và sắp ký kết như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốct, Hiệp định liên minh thuế quan Việt Nam với Nga, Belarus và Kazastan và đặc biệt là Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam với EU…

Ngoài ra, tôi cũng đặc biệt ấn tượng với những phản ứng chủ động và kịp thời của Chính phủ Việt Nam trước những diễn biến bất lợi của sự kiện biển Đông vào đầu năm qua nhằm ổn định lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nửa đầu 2014, mặc dù Việt Nam gặp phải những trở ngại từ các vấn đề liên quan tới sự kiện Biển Đông, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có bước hồi phục nhanh chóng. Vào thời điểm đó, rất nhiều người đã tin rằng sẽ tăng trưởng kinh tế sẽ sụp đổ. Việt Nam đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc và điều này sẽ gây ra tác động rất lớn tới tăng trưởng, tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.

Đặc biệt, tại Diễn đàn doanh nghiệp vào tháng Sáu vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra cam kết của mình với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng có mặt tại diễn đàn này. Điều đó cho thấy sự quan tâm và nỗ lực của Chính phủ trong việc cố gắng mang lại những bảo đảm cho cộng đồng các nhà đầu tư.

Đây là những điểm sáng đáng ghi nhận. Theo tôi, Việt Nam đã duy trì được sự phát triển kinh tế vĩ mô ổn định và bền vững liên tiếp trong ba năm vừa qua. Đây là những thành tựu vô cùng to lớn. Nếu nhìn lại 5 năm về trước, Việt Nam có rất nhiều bất ổn kinh tế, lạm phát cao, tỷ giá không ổn định, thiếu hụt dự trữ. Tuy nhiên, tới nay tình hình đã cải thiện hơn rất nhiều và Việt Nam đã lấy lại được sự phát triển ổn định vốn có.

Bà vừa nhắc tới một điểm tích cực của nền kinh tế là sự chuyển dịch cơ cấu của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI theo hướng công nghệ cao hơn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là, làm sao để Việt Nam có thể tận dụng được tốt nhất cơ hội từ dòng vốn này mà không đơn thuần chỉ là một cứ điểm lắp ráp?

Bà Victoria Kwakwa: Đúng là Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở công đoạn lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao. Nhưng theo tôi, Việt Nam đang đi đúng hướng và có thể đẩy mạnh thêm nữa hoạt động xuất khẩu linh, phụ kiện điện tử. Theo tôi, chúng ta nên bắt đầu từ điểm này, hầu hết các quốc gia khác cũng có điểm khởi đầu như vậy.

Tôi không nghĩ rằng các quốc gia cần phải nhảy ngay vào xuất khẩu lĩnh vực hàng hóa công nghệ có giá trị cao. Điều này đòi hỏi cả một quá trình. Chính phủ Việt Nam cần phải quan sát những giá trị gia tăng sẽ mang lại cho hoạt động xuất khẩu công nghệ. Điều này rất quan trọng. Đây là những vấn đề trực tiếp.

Về mặt gián tiếp, cần phải xem xét những gì đang xảy ra đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Tất nhiên, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện chưa thể mạnh được như khu vực các doanh nghiệp FDI, một phần bởi vì các công ty nội địa chủ yếu sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và nhu cầu trong nước hiện còn yếu. Đó là một phần của vấn đề.

Hiện nay vẫn còn thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp trong nước chưa hưởng được sự chuyển giao cũng như những lợi ích mà doanh nghiệp FDI mang lại. Tôi nghĩ rằng, sẽ phải tìm ra cách nào đó để các doanh nghiệp FDI tạo ra thêm nhiều hơn nữa các chất xúc tác để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước hỗ trợ các doanh nghiệp FDI.

Ảnh minh họa. (Ảnh Danh Lam/ TTXVN)

Theo tôi, các doanh nghiệp tư nhân trong nước cần phải nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn chất lượng. Ngày nay, có rất nhiều các công ty đa quốc gia đạt tiêu chuẩn quốc tế hoạt động tại Việt Nam, họ sẽ thực hiện công tác kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Đây là cơ hội tốt hơn để tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và các công ty quốc tế. Chính phủ cần đóng vai trò là cầu nối để hai thành phần kinh tế này có sự tiếp xúc nhiều hơn.

Vậy trong năm nay, bà mong muốn điều gì cho Việt Nam?

Bà Victoria Kwakwa: Mong muốn của tôi đó là kinh tế Việt Nam sẽ phát triển vững mạnh và ổn định. Ý của tôi là sức khỏe nền kinh tế sẽ tốt.

Đầu tiên cần phải giữ được lạm phát không vượt ngưỡng một con số. Điều này rất quan trọng. Rất nhiều bài học cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định là điều rất quan trọng để duy trì tăng trưởng trong dài hạn. Nếu muốn tăng trưởng bền vững trong dài hạn, tôi nghĩ rằng sự ổn định vĩ mô thì Việt Nam đã đạt được, chỉ cần giữ nó, tiếp tục tăng cường và giảm thiểu khả năng tổn thương nền kinh tế.

Để làm cho nền kinh tế ít bị tổn thương nhất, cần phải có một bộ đệm, nếu gặp những cú sốc kinh tế thì sẽ có khả năng thích ứng và đàn hồi. Do đó, dự trữ kinh tế cần phải được quan tâm tới, phải đảm bảo rằng những dự trữ mà Việt Nam có đang phát triển, một trong những thách thức lớn nhất của vĩ mô đó là thâm hụt ngân sách.

Về mặt cấu trúc, tôi mong muốn kinh tế Việt Nam sẽ có một cấu trúc vững mạnh, những tác động xấu tới khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sẽ được giải quyết. Cần thúc đẩy cạnh tranh trong nền kinh tế, đảm bảo rằng khu vực kinh tế tư nhân có thể cạnh tranh với khu vực kinh tế nhà nước.

Hiện nay trên thế giới rất nhiều doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động không hiệu quả. Họ sử dụng các nguồn lực không hiệu quả bằng khối doanh nghiệp tư nhân. Các nguồn lực kinh tế không được khai thác tối đa hóa, Đây là vấn đề cần giải quyết. Ở đây tôi không ám chỉ tới việc phải thoát ly hết các doanh nghiệp nhà nước hay phải tư nhân hóa tất cả mọi thứ mà cần phải có sự cạnh tranh lẫn nhau.

Điều này cho thấy chương trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng và ngay cả khi chúng ta biết rằng chúng ta vẫn cần các doanh nghiệp nhà nước, hãy để họ hoạt động công khai, minh bạch.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần phải nắm bắt nhiều hơn nữa những cơ hội mà hội nhập quốc tế sẽ mang lại, đây không phải là điều ước dành cho nền kinh tế tuy nhiên, tôi hoàn toàn lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm 2015 nhưng nó không phải là một thỏa thuận đã được hoàn thành.

Do vậy Việt Nam cần phải tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề mà tôi đã nói ở trên. Tôi tin rằng có rất nhiều cơ hội đến với Việt Nam, tất nhiên bao gồm cả những thử thách. Tuy nhiên, thử thách luôn đi kèm với cơ hội và các bạn phải tối ưu hóa những cơ hội có được, tôi nghĩ Việt Nam sẽ có một kết quả tuyệt vời cho năm 2015.

-  Xin cảm ơn bà!

>>>Chuyên gia lạc quan về kinh tế năm 2015

Theo Thúy Hà

PV

VIETNAM+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên