MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm nguồn tài trợ, Việt Nam lấy tiền đâu để phát triển?

Từ nay đến 2020 Việt Nam cần tới 170 tỷ USD để phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, chỉ có một nửa số vốn có thể huy động được từ các nguồn truyền thống như ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA.

Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam ước tính chiếm khoảng 10 – 20% GDP mỗi năm, trong giai đoạn 2015 – 2020. Trước đây, ngoài tiền ngân sách thì các dự án đầu tư hạ tầng tại Việt Nam được tài trợ thông qua chương trình đầu tư trái phiếu của Chính phủ, trái phiếu địa phương và vốn vay ODA.

Tuy nhiên, áp lực vay trong nước và nước ngoài đã đè nặng lên nợ công của Chính phủ. Theo đó, nợ công đang có xu hướng tăng từ mức 59,5% GDP vào năm 2015 lên 62,4% vào năm 2015.

Cửa mở với đầu tư tư nhân

Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) 2015 cho rằng, các nguồn tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã tăng lên vượt khả năng thanh toán.

Một nguyên nhân chính được chỉ ra, là việc đầu tư hiện nay đang chú trọng quá nhiều vào tăng mức đầu tư nhưng lại không chú ý đến hiệu quả của đầu tư. Việc đầu tư hạ tầng manh mún cũng là nguyên nhân cơ bản khiến cho đầu tư không hiệu quả.

Dẫn chứng, trong cơ cấu quản lý và phân cấp ở mức độ cao của Việt Nam, các tỉnh lựa chọn và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng riêng tại tỉnh mình và cạnh tranh với nhau mà ít liên quan đến ưu tiên chiến lược quốc gia.

Hệ quả là, đầu tư quá mức làm mất cân đối ở mức độ cao so với nền kinh tế Việt Nam. Theo VDPF, trong tương lai, các khoản vay ưu đãi ODA bị cắt giảm cùng với việc Việt Nam ra khỏi nhóm các quốc gia có thu nhập thấp từ năm 2017. Điều này làm mất đi một nguồn vốn quan trọng mà Việt Nam sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và nông nghiệp.

Vấn đề băn khoăn này cũng được Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà đã phải đặt ra câu hỏi tại Diễn đàn VDPF 2015 rằng: “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới?”

Cũng bởi, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước. Trong khi đó, tỉ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP đã cho thấy xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%.

Đặc biệt, đặt trong thời điểm Việt Nam đang chuẩn bị cho các quyết định mang tính chiến lược và chính trị quan trọng, đại diện của WB cho rằng những sự chuyển tiếp bên ngoài và bên trong cần được hỗ trợ lẫn nhau nhằm mang lại kết quả phát triển tốt đẹp cho Việt Nam trong 5 năm tới.

Một số liệu đáng chú ý được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra là Việt Nam cần tới 170 tỷ USD đến năm 2020 để phát triển hạ tầng quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có một nửa số vốn cần thiết có thể huy động được từ các nguồn vốn truyền thống như ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA.

Phần còn lại sẽ đến từ khu vực tư nhân, nhưng do thiếu sự sẵn sàng của thị trường vốn nội địa nên thời gian qua chủ yếu là phải huy động qua các nhà đầu tư và những bên cho vay nước ngoài.

Tại diễn đàn VDPF 2015 mới đây, một trong những thông điệp được Chính phủ đưa ra là sẽ kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng.

Vấn đề là tạo sân chơi bình đẳng

Trong đó bao gồm cả việc sử dụng hợp tác công tư (PPP), thúc đẩy thị trường trái phiếu… Việc nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các hệ thống cơ sở hạ tầng được kỳ vọng không chỉ mang lại thêm nguồn tài chính mà còn là hiệu quả to lớn.

Tuy nhiên, bà Kwakwa cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Trên nền tảng đó, cải thiện năng suất lao động vốn đang giảm tại Việt Nam.

Ngoài ra, cần thực hiện tiếp cận đất và vốn dựa trên thị trường hơn nữa, để nguồn lực được phân bổ đúng mục đích sử dụng hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất. Tạo điều kiện hình thành và vận hành trôi chảy thị trường đất đai. Cần tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Ngoài ra, nguồn vốn ODA cũng phải được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân.

Vấn đề không kém quan trọng nữa là phân tách rạch ròi giữa hoạt động quản lý và hoạt động thương mại của Nhà nước bằng cách thay đổi vai trò của nhà nước từ một nhà sản xuất sang vai trò kiến tạo và quản lý. Chính phủ cần rút khỏi các lĩnh vực không cần thiết tham gia, nhằm tạo khoảng trống cho DN tư nhân nhập cuộc.

Đồng thời, vấn đề mấu chốt ở đây là phải có một bộ máy hành chính công chuyên nghiệp. Quá trình cải cách hành chính công kéo dài của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thấy kết quả rõ nét. Do đó, cần xem xét lại vấn đề và xốc lại quyết tâm mới có thể thành công được.

"Cần cho phép người dân phản hồi thường xuyên và thực chất trong quá trình hoạch định và theo dõi thực hiện chính sách sẽ giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ" - bà Kwakwa nhấn mạnh.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên