Giảm phát cũng có dăm bảy đường!
Lạm phát đã diễn ra với nhiều bất ngờ, bắt đầu với 2 tháng liên tục rơi xuống mức âm trong cuối năm 2014, và càng bất ngờ vào tháng 1 năm nay, tháng cận Tết Nguyên đán, mà vẫn giảm tiếp 0,2% so với tháng 12/2014.
- 28-01-2015Lạm phát năm 2015 và những vấn đề đặt ra
- 22-01-2015EuroCham: Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam sẽ tăng trong vòng 6 tháng tới
- 22-01-2015“Lạm phát quá thấp sẽ làm suy yếu khả năng chống đỡ của doanh nghiệp”
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Tóm tắt
- Lạm phát đang diễn biến bất ngờ với nhiều tháng âm, âm ngay cả trong tháng giáp Tết
- Theo TS Phan Minh Ngọc, giảm phát ở Việt Nam không phải là điều quan ngại vì nó không phải là biểu hiện của, không kéo theo suy giảm tổng cầu, không làm gia tăng thất nghiệp và tụt giảm thu nhập người lao động
- Giảm phát ở Việt Nam không nhất thiết sẽ là một xu hướng kéo dài trong cả năm, và quan trọng, giảm phát là do yếu tố (tích cực) từ bên ngoài tác động đến, mà chủ yếu là do giá dầu thô
- Giá dầu có thể đảo chiều tăng vì vậy không cần lo lắng thái quá về giảm phát
Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, lạm phát tháng cận Tết tụt xuống mức âm. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi có nhiều ý kiến cho rằng đây là biểu hiện rõ nét của giảm phát, do sức cầu giảm, tổng cầu yếu.
Trong một bài trả lời phỏng vấn thấu đáo và xác đáng mới đây, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã đưa ra nhiều luận cứ và số liệu cho thấy một cách thuyết phục lạm phát tụt giảm như vừa qua không phải là do tổng cầu yếu.
Trong bài này, xin được bổ sung thêm một số yếu tố để bác bỏ mối lo ngại của nhiều người về lạm phát âm (giảm phát) ở Việt Nam, đặc biệt khi gắn nó một cách khiên cưỡng với chuyện tổng cầu yếu.
Thứ nhất, điều khác biệt cơ bản giữa Việt Nam với một số nước trên thế giới hiện đang phải đối mặt với nạn/nguy cơ giảm phát như EU hay Nhật là tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức cao hơn nhiều (6% năm 2014), và còn được dự đoán sẽ cao hơn nữa trong năm nay, đối nghịch với tình trạng tăng trưởng thấp, cận 0 hoặc thậm chí là âm của những nước và khu vực này, phản ánh tình trạng cầu trì trệ hoặc tiếp tục sụt giảm đi kèm với nạn thất nghiệp gia tăng và đứng ở mức cao.
Bởi vậy, tuy có thể là Việt Nam đang có dấu hiệu giảm phát – thuần túy nhìn từ con số thống kê, tức chỉ số CPI – nhưng cái giảm phát ở Việt Nam không phải là điều quan ngại vì nó không phải là biểu hiện của, không kéo theo suy giảm tổng cầu, không làm gia tăng thất nghiệp và tụt giảm thu nhập người lao động. Vì thế, không thể hễ cứ thấy có hiện tượng giảm phát là lại gióng lên hồi chuông báo động về những hậu quả theo lý thuyết của nó, để rồi khuyến nghị những chính sách chống giảm phát (tức làm tăng lạm phát) đầy rủi ro và nguy hại.
Thứ hai, giảm phát ở Việt Nam chỉ là hiện tượng mới xảy ra trong những tháng gần đây, chứ không nhất thiết sẽ là một xu hướng kéo dài trong cả năm nay. Quan trọng hơn, giảm phát ở Việt Nam là do yếu tố (tích cực) từ bên ngoài tác động đến, mà chủ yếu là do giá dầu thô thế giới tụt giảm. Như TCTK đã phân tích cho thấy, hầu như chỉ có nhóm hàng hóa dịch vụ vận tải, nhà ở và vật liệu xây dựng là nhóm chủ yếu trong rổ hàng hóa tính CPI có chỉ số giảm đi, song hành với sự sụt giảm của giá dầu thô thế giới. Các nhóm hàng hóa còn lại trong rổ hàng hóa tính CPI đều tăng lên so với tháng 12/2014. Điều này chứng tỏ rằng giảm phát ở Việt Nam không phải do những yếu kém nội tại như cầu yếu, thất nghiệp cao, thu nhập dân cư sụt giảm hoặc trì trệ, không dám chi tiêu v.v...
Ngược lại, ở nhiều nơi so sánh khác như EU và Nhật, sự giảm phát là hậu quả của những yếu kém nội tại, là sản phẩm “cây nhà lá vườn” và sự tụt giảm giá dầu chỉ “đổ thêm dầu vào lửa” mà thôi. Ở những nơi này, những câu chuyện về con số thất nghiệp gia tăng kỷ lục hay người dân phải bóp bụng chi tiêu, còn chính phủ thì hết ra gói kích thích này đến biện pháp hỗ trợ khác chỉ cốt để cho người dân mạnh dạn chi tiêu nhiều hơn... là những câu chuyện thời sự hàng ngày, liên tục trong nhiều ngày, nhiều tháng qua.
Cũng có liên quan với điểm này là khả năng kéo dài của tình trạng giảm phát ở Việt Nam. Như đã phân tích, lạm phát tụt giảm mạnh chủ yếu là do giá dầu thô, một yếu tố bên ngoài không thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam. Bởi thế, tình trạng giảm phát rất có khả năng sẽ đảo chiều nhanh chóng khi giá dầu thô phục hồi trở lại từ mức đáy như hiện nay, dù chỉ là ở mức thấp hơn nhiều so với nửa năm trước đây. Nên, chớ có vội lo lắng thái quá cho cái gọi là “giảm phát” ở Việt Nam.
Thứ ba, giảm phát ở Việt Nam xảy ra còn có sự góp mặt của những biện pháp bình ổn và quản lý giá hành chính mà nếu không có chúng thì giảm phát đã không xảy ra mà thay vào đó là lạm phát. Một ví dụ là chuyện giá cước giao thông vận tải đã và đang được các cơ quan hữu quan cố gắng kéo xuống. Nếu giá cả của nhóm này không giảm mạnh thì, như phân tích của TCTK, thậm chí CPI của các tháng vừa rồi còn có khả năng tăng lên, chứ không phải là ở mức âm như trên thực tế hiện nay.
Lập luận ngược lại, cứ theo như ý kiến của những người lo ngại về giảm phát ở Việt Nam, không lẽ các cơ quan chức năng nên thôi ngay các biện pháp quản lý và bình ổn giá hiện đang được nỗ lực và “quyết liệt” thực hiện để cho lạm phát Việt Nam quay trở lại ngưỡng đủ cao (vài điểm phần trăm), thoát khỏi ám ảnh “giảm phát” thì mới là tốt hay sao? Hoặc Việt Nam nên tìm cách “thúc” cho giá cả những hàng hóa và dịch vụ khác tăng lên cốt sao để cho CPI tăng trở lại mới là tốt hay sao?
Tóm lại, với 3 yếu tố nói trên, có thể kết luận rằng giảm phát, nếu có, ở Việt Nam thì cũng không phải là điều lạ lùng, bất ngờ, và quan trọng hơn, không phải là một điều tiêu cực mà vì thế phải bằng mọi giá để ngăn chặn nó xảy ra. Nói cách khác, không phải giảm phát ở đâu cũng giống nhau, nguy hại như nhau!
TS, PHAN MINH NGỌC