MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám sát đầu tư công: còn những điều khó lý giải!

Số liệu về việc vi phạm quy chế quản lý đầu tư và xây dựng trong báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của các Bộ, ngành và địa phương vẫn còn sự khác biệt với số liệu tổng hợp từ các nguồn khác

“Giống như chiếc ô tô khi đổi hướng, chúng ta phải đi chậm lại, dừng lại một tí, ngắm nghía lại một tí rồi mới định hướng và đi tiếp. Tái cơ cấu nền kinh tế cũng thế.” – Giáo sư Nguyễn Quang Thái, trưởng Ban Kinh tế, Tổng thư ký hội Khoa học kinh tế Việt Nam đã nói như vậy trong hội thảo “Tái cấu trúc và đánh giá hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam” được tổ chức ngày 29/11.

Thiết nghĩ trong quá trình dừng lại và ngắm nghía này, cái mà chúng ta không thể bỏ qua chính là công tác giám sát các dự án đầu tư công.

Theo báo cáo tại hội thảo của TS Đặng Đức Anh, Vụ Tài chính tiền tệ thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư thì công tác này còn quá nhiều hạn chế.

Trước hết, về tình hình thực hiện chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư thì tỷ lệ các cơ quan có Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư còn thấp và chưa đáp ứng yêu cầu. Không những thế, tỷ lệ này lại còn có xu hướng giảm dần trong các năm đầu thực hiện theo thông tư 03/2003. Tuy nhiên sau khi Nghị định 113/2009/NĐCP được ban hành, công tác báo cáo đã có sự chuyển biến với số cơ quan có báo cáo về giám sát đầu tư tăng lên trên 90%.

Mặc dù tại các cơ quan có báo cáo, việc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư có xu hướng tăng lên nhưng số dự án được thực hiện giám sát đầu tư lại đang có xu hướng giảm sút. Tỷ lệ số dự án được báo cáo giám sát năm 2007 là 70,72%, đến năm 2012 chỉ còn 62%.

Một tồn tại khó hiểu là có những cơ quan nhiều năm liền không gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định mà phương pháp xử lý chỉ là “nêu trong báo cáo hàng năm”. Điều này được TS Đặng Đức Anh lý giải là “do chưa được quan tâm đúng mức”.

Vấn đề này khiến cho những người quan tâm phải đặt câu hỏi: quy định về giám sát và xử phạt của Nhà nước và các cơ quan quản lý cấp cao đối với công tác giám sát đầu tư này đã thực sự mạnh mẽ hay chưa?

Đánh giá về nội dung, chất lượng báo cáo giám sát, TS Đặng Đức Anh cho thấy những tồn tại có thể nói là thiếu chuyên nghiệp trong quá trình tác nghiệp của các cán bộ tại các Bộ, ngành, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Đó là hiện trạng “số lượng cơ quan báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định còn ít, một số báo cáo không có biểu tổng hợp theo mẫu, thiếu số liệu, không có phân tích đánh giá tình hình và thiếu đề xuất, kiến nghị các biện pháp.”

Do đó, tình hình này đã hạn chế việc phân tích đánh giá tình hình đầu tư chung trong cả nước và chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giám sát, đánh giá đầu tư.

Về kết quả giám sát, đánh giá dự án đầu tư của các bộ, ngành, địa phương, số liệu trong giai đoạn 2005 – 2012 cho thấy số lượng và tỷ lệ các dự án có vi phạm các quy định về quản lý đầu tư còn nhiều và chưa có xu hướng cải thiện.

Sự vi phạm này bao gồm: không phù hợp với quy hoạch; phê duyệt không đúng thẩm quyền, không thực hiện đầy đủ trình tự thẩm tra, thẩm định dự án; đấu thầu không đúng quy định; bỏ giá thầu không phù hợp; phê duyệt không kịp thời; ký hợp đồng không đúng quy định, chậm tiến độ, chất lượng xây dựng thấp; có lãng phí.

Bình quân giai đoạn từ 2005 – 2012, có 15% số dự án vi phạm.

Tuy nhiên các số liệu về việc vi phạm quy chế quản lý đầu tư và xây dựng trong báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của các Bộ, ngành và địa phương vẫn còn sự khác biệt với số liệu tổng hợp từ các nguồn khác như Thanh tra Chính phủ và Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra của các địa phương và qua phản ánh của dư luận.

Bên cạnh đó, số liệu chưa phản ánh đúng thực tế về chất lượng công trình và việc thất thoát, lãng phí trong đầu tư và xây dựng. Công tác giám sát nội bộ hiệu quả thấp. Hầu như rất ít vụ tham nhũng gây thất thoát, lãng phí được phát hiện thông qua giám sát nội bộ hoặc giám sát của đại diện chủ sở hữu hay cơ quan nhà nước.

Báo cáo này cũng nêu thực trạng vi phạm chủ yếu hiện nay là chậm tiến độ thực hiện dự án. Vi phạm này làm tăng chi phí, làm giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư của dự án. Nhiều dự án nhóm C thay vì từ 2-3 năm thì thời gian hoàn thành phải mất đến 5-6 năm. Các nguyên nhân chính đồng thời vẫn là những nguyên nhân cố hữu: khó khăn trong giải tỏa đền bù, tư vấn yếu kém hoặc quá tải, đơn vị thi công không đủ năng lực, công đoạn thẩm định kéo dài, quyết toán vốn chậm, thủ tục đấu thầu và xét thầu kéo dài…

Tỷ lệ các dự án phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện đã giảm bớt song còn khá lớn. Điều chỉnh do trình độ năng lực của chủ đầu tư và tư vấn hạn chế, công tác khảo sát chưa đầy đủ, số liệu chưa chính xác… Trong 6 tháng đầu năm 2013 có 2.610 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ phải điều chỉnh, chiếm 9,72% tổng số dự án thực hiện trong kỳ. Trong đó điều chỉnh chủ yếu là vốn đầu tư, tiến độ đầu tư, mục tiêu, quy mô đầu tư, địa điểm đầu tư.

Mỹ Chi

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên