MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội muốn đạt thu nhập 58 triệu đồng/người năm 2014

Trong năm 2014, thành phố Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 8,5 - 9% và nâng thu nhập bình quân đầu người lên mức 58 triệu đồng/người.

Mục tiêu trên được đưa ra trong báo cáo kinh tế - xã hội năm 2013 và định hướng năm 2014, do Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh trình bày tại kỳ họp thứ 8, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, khai mạc sáng 2/12.

Báo cáo của UBND thành phố cho biết, trong năm 2013, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô có dấu hiệu phục hồi, các ngành, lĩnh vực kinh tế đều duy trì tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,25%, đạt kế hoạch đề ra là từ 8,0-8,5% và cao hơn năm 2012 là 8,06%, bằng 1,53 lần mức tăng chung của cả nước; trong đó, dịch vụ tăng 9,42%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,56% và nông nghiệp tăng 2,46%.

Hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ của thành phố duy trì tăng trưởng khá. Thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt khoảng 52,3 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức 41,8 triệu đồng/người của năm 2011. Thành phố cũng đặt ra quyết tâm nâng mức bình quân thu nhập đầu người năm 2014 lên mức 57,5 - 58 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,8%

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, báo cáo cho biết, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 12,78% với tổng dư nợ tăng 9,38% so với thời điểm 31/12/2012. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm, ổn định phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố, tỷ lệ nợ xấu còn cao, chiếm 6,94% tổng dư nợ dù các tổ chức tính dụng đã tích cực triển khai các giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, thu hồi nợ đến hạn và chủ động xử lý nợ xấu.

Trong năm 2013, thành phố ước cấp mới và điều chỉnh 470 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,3 tỷ USD, tương đương năm 2012; vốn thực hiện các dự án FDI duy trì đạt 900 triệu USD. Khu vực này vẫn duy trì số thu ngân sách khoảng 12.000 tỷ đồng, tăng 22% và dẫn đầu về xuất khẩu 3,6 tỷ USD, bằng 48,6% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

Năm 2013, ước có 14.950 doanh nghiệp đăng ký thành lập, tăng 12% so với năm trước. Doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu hướng giảm.

Bên cạnh những kết quả trên, UBND thành phố cũng thừa nhận một số hạn chế, tồn tại của kinh tế Thủ đô trong năm qua, trong đó nổi lên là sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn; kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư xã hội không đạt kế hoạch. Thị trường bất động sản tuy có chuyển biến, song còn chậm.

Cùng với đó là thu ngân sách không đạt dự toán, công tác đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn, thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với những năm trước. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được khắc phục, nhất là trên địa bàn các huyện.

Trước thực tế đó, UBND thành phố khẳng định, trong năm 2014 sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh. Cụ thể là tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, các dự án bất động sản đang thực hiện để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm, tăng cường sức cạnh tranh...

Theo Từ Nguyên

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên