Hà Nội nhặt "sạn" trong thu hút FDI
Năm 2013, Hà Nội đặt mục tiêu thu hút được 1,3 tỷ USD vốn FDI, trong đó, vốn cấp mới khoảng 800 triệu USD và vốn tăng thêm là 500 triệu USD.
Năm 2013, Hà Nội đặt mục tiêu thu hút được 1,3 tỷ USD vốn FDI, trong đó, vốn cấp mới khoảng 800 triệu USD và vốn tăng thêm là 500 triệu USD. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2013, UBND TP đã đưa ra một loạt giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Xuất hiện những "vùng đất mới"
Cụ thể, TP đã triển khai Đề án nâng cao hiệu quả nguồn vốn FDI trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015 bằng một loạt văn bản đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư (NĐT), xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư và danh mục kêu gọi đầu tư FDI giai đoạn 2013 - 2015; nghiên cứu, xây dựng chương trình kế hoạch hành động thu hút FDI của Nhật Bản đến năm 2015.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN FDI trên địa bàn Thủ đô trong 10 tháng đầu năm vẫn được duy trì ổn định và có sự tăng trưởng nhẹ. Theo đó, vốn thực hiện đạt 638,5 triệu USD, đạt 91% so với cùng kỳ năm 2012; doanh thu đạt 8,65 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.602,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 48,6% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, tăng 0,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 3.546 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,5% kim ngạch nhập khẩu toàn TP; nộp ngân sách tăng 22% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư FDI hiện không tập trung chảy vào các TP lớn như Tp.HCM, Hà Nội, hay Đà Nẵng như trước đây, mà đang có sự dịch chuyển dần đến một số tỉnh khác xa hơn. Giới phân tích cho rằng các NĐT dường như không còn mặn mà vào Tp.HCM hay Hà Nội, bởi 2 TP này đang tập trung khá nhiều dự án của các NĐT trong và ngoài nước, khiến quỹ đất sạch không còn nhiều, giá thuê mặt bằng đắt đỏ...
Hà Nội và Tp.HCM hiện vẫn là nơi "sản sinh" ra lực lượng lao động có trình độ và có tay nghề lớn cho cả nước, nhưng giới phân tích cho rằng hạ tầng giao thông kết nối của 2 TP này với các địa phương lân cận ngày càng tốt và dễ dàng hơn, nên nhiều người lao động giờ đây cũng chịu đi làm xa hơn. Do đó, không ít NĐT đã tìm đến những địa bàn hấp dẫn có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương từ việc giải phóng mặt bằng, chi phí giải tỏa đền bù, đất thuê giá thấp...
Hà Nội đặt mục tiêu thu hút khoảng 1,3 tỷ USD vốn FDI trong năm 2013
Khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ với các địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa… là những "vùng đất mới" trước đây chưa được chú ý nhiều, nhưng với điều kiện đất đai rộng lớn, dân số dồi dào, chính sách ưu đãi tốt đang là điểm đến hấp dẫn của các NĐT. Những NĐT lớn quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... có sự chuyển hướng này.
Sức hút FDI vào khu công nghiệp (KCN) của Hà Nội chắc chắn sẽ mạnh mẽ nếu xử lý được những "hạt sạn" trong điều hành.
Chưa coi trọng đúng mức
Vài năm trước, Samsung từng muốn thuê đất để triển khai khu nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Hà Nội, nhưng sau khi thất bại trong việc đàm phán để giảm giá thuê đất vốn quá cao, NĐT này phải chuyển hướng sang tìm sự hợp tác với các tỉnh lân cận. Theo Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, Samsung đã thu hút 60 DN vệ tinh, với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 70.000 lao động. Trong một tham vọng kéo Samsung về mình để hút thêm DN vệ tinh, Thái Nguyên cũng đã nhanh tay chấp thuận chủ trương đầu tư của công ty này.
Từ câu chuyện của Samsung cho thấy dường như việc thu hút các dự án đầu tư FDI tại Hà Nội thời gian qua chưa được coi trọng đúng mức.
Trả lời băn khoăn về mục tiêu thu hút khoảng 1,3 tỷ USD vốn FDI trong năm 2013 không dễ trở thành hiện thực, UBND TP Hà Nội cho biết bên cạnh
những nguyên nhân khách quan như tác động của thiên tai, tình hình kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn, bất lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN FDI, thì còn có các nguyên nhân chủ quan khác như thủ tục hành chính còn rườm rà, Hà Nội cũng không còn nhiều quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu cho NĐT triển khai các dự án có quy mô lớn.
Nhưng đồng thời, Hà Nội còn đối mặt với nhiều vấn đề khác. Nhiều KCN tại Hà Nội ngày càng đòi hỏi cao hơn trong tuyển dụng lao động. Thực tế, thiếu lao động có tay nghề luôn là rào cản với các DN FDI tại Việt Nam nói chung, các KCN tại Hà Nội nói riêng. Tình hình này sẽ còn "căng" khi hàng loạt dự án FDI tại Việt Nam đi vào hoạt động. Sự cạnh tranh lao động giữa các địa phương sẽ tăng lên khi các tỉnh cũng đang phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp. Người lao động muốn làm việc tại quê hương để tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, Hà Nội chưa có chính sách hỗ trợ nhà ở, trường học cho người lao động tại các KCN. Vì thế, nhiều người lập gia đình xong là bỏ việc, khiến DN không đủ nguồn nhân lực cho các kế hoạch dài hơi. Theo ước tính, hiện mới có khoảng 6% số KCN có nhà văn hóa, hầu như chưa có thư viện nào được đầu tư xây dựng...
Theo Việt Nguyễn