Hai dự án bôxit còn ngổn ngang
Dự án khai thác bôxit ở Tân Rai (Lâm Đồng) đã cho ra sản phẩm. Trong khi đó, dự án bôxit ở Nhân Cơ (Đắk Nông) vẫn đang thi công.
- 10-05-2013Cần tạm dừng dự án alumin Nhân Cơ
- 12-05-2013"Bô xít Tây Nguyên lỗ hàng chục triệu đôla mỗi năm"
Phóng viên Tuổi Trẻ vừa trở lại ghi nhận tình hình thực tế tại hai nơi này.
Ở cả hai nơi, công trường đều đang ngổn ngang. Nhà máy Tân Rai sản xuất ra sản phẩm nhưng chưa bán được. Dự án Nhân Cơ đang chậm tiến độ mặc dù chi phí đầu tư tăng khá cao.
Dự án Nhân Cơ: tăng chi phí gần 40%
Sau hơn ba năm từ ngày khởi công (28-2-2010), Nhà máy alumin Nhân Cơ - Vinacomin thuộc Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam - TKV (đóng tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) đang bước vào giai đoạn lắp đặt các hạng mục chính. Đại tá Bùi Quang Tiến - giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ - cho biết tính đến đầu tháng 5, toàn bộ các dự án tại nhà máy đã thực hiện được tổng giá trị gần 6.900 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân được gần 5.400 tỉ đồng, đạt tỉ lệ thi công trên 50%.
Ngày 12-5, có mặt tại dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ, chúng tôi ghi nhận không khí thi công khá khẩn trương. Từ phía khu đất nằm ngoài phạm vi nhà máy có thể dễ dàng quan sát và nhận thấy công trình hiện nay đã được lắp đặt cơ bản. Tại hai hạng mục chính của dự án là nhà máy tuyển quặng bôxit và nhà máy sản xuất alumin (tổng diện tích khoảng 850ha) đang được huy động máy móc và nhiều công nhân lắp ráp các thiết bị. Cũng tại các khu vực này, các công nhân, kỹ sư đang làm việc tại đây khi được hỏi đều nói tiếng Trung Quốc.
Toàn bộ Nhà máy alumin Nhân Cơ được chia làm hai
phần chính, ngăn cách với nhau bằng hàng rào tạm: phía trong
hàng rào là phần thi công của nhà thầu Chalieco (Trung Quốc),
phần ngoài hàng rào do các nhà thầu Việt Nam đảm nhiệm. Tại
các cánh cổng dẫn vào các nhà máy khu vực trong hàng rào luôn
có bảng chỉ dẫn “người lạ không xâm nhập”, việc ra vào cũng
được kiểm soát khá gắt gao.
Ở các khu đất xây dựng các hạng mục phụ như hệ thống dẫn nước, hệ thống cung cấp điện, nhiều công nhân người Việt Nam đang hàn nối đường ống, lắp đặt các thiết bị đơn giản. Theo Ban quản lý dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ, Nhà máy alumin Nhân Cơ có cùng công suất với nhà máy alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng).
Theo ông Bùi Quang Tiến, kinh phí đầu tư cho dự án vay từ nước ngoài 70-80%, phần còn lại là vốn tự có của chủ đầu tư. Ông Tiến cũng cho biết do chi phí đội lên và nhiều dư luận khác nhau nên TKV đã yêu cầu ban quản lý tính toán lại tổng mức đầu tư và tiến độ thực hiện của dự án để đánh giá thêm. Theo ông Tiến, kết quả bước đầu cho thấy chưa kể chi phí thăm dò khai thác mỏ, tổng mức đầu tư đã vượt 16.000 tỉ đồng, cao hơn ban đầu gần 40% (so với dự toán ban đầu là 11.624 tỉ đồng). Với giá nguyên liệu như hiện tại, dự kiến thời gian hoàn vốn là trên 12 năm.
Ông Tiến cho rằng hiện nay dự án đã triển khai được trên 50% khối lượng. Dự kiến đến tháng 6-2014 sẽ chạy mẻ alumin đầu tiên. Nếu so với thiết kế ban đầu, dự án đã chậm tiến độ hơn một năm rưỡi.
Nhà máy Tân Rai: chạy thử
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Ban quản lý dự án bôxit nhôm Lâm Đồng (bôxit Tân Rai) nói rằng ông đã làm rất nhiều dự án nhưng chưa bao giờ phải chịu nhiều áp lực như ở dự án này. Hơn sáu năm kể từ ngày dự án khởi động, cuộc sống người dân trong vùng dự án bị xáo trộn không ít. Ban đầu là việc công nhân Trung Quốc kéo về công trường. Hàng quán mọc lên như nấm với những hệ lụy về an ninh trật tự như gây gổ đánh nhau, kết hôn với người Trung Quốc bất hợp pháp...
Khi chưa chính thức hoạt động, sự cố rò rỉ hóa chất từ nhà máy bôxit xảy ra gây hoang mang cho những người ngày đêm sống giữa vùng bôxit. Ông Trần Trung Khiên, phó chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm), cho biết: “Vụ việc rò rỉ hóa chất gây thiệt hại cho 22 hộ dân và một công ty đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm”.
Nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng tạo nên nhiều điểm nóng từ khi triển khai dự án. Ban quản lý dự án thừa nhận mỗi ngày tiếp nhận rất nhiều đơn thư khiếu kiện của dân về việc đền bù đất đai.
Đó là chuyện bên ngoài nhà máy, còn bên trong, gần đây có rất nhiều công nhân làm việc cho tổ hợp bôxit Tân Rai nghỉ việc. Anh Nguyễn Quốc Huy (23 tuổi) cho biết: “Từ tháng 4-2012, tôi và một số anh em công nhân đã tự động bỏ việc để đi làm công việc khác. Lý do: tôi học chuyên ngành về điện nhưng khi vào làm tại xí nghiệp mỏ tuyển thì lại được bố trí việc ở băng tải và bơm bùn. Công việc không phù hợp, lương lại không cao và không ổn định nên tôi đã tự ý bỏ việc”.
Nhiều công nhân nói họ cũng muốn xin nghỉ để tìm công
việc khác ổn định hơn nhưng do bị giam bằng hoặc phải đền chi phí đào
tạo cho công ty rồi mới được nghỉ việc nên họ phải cố bám trụ. Anh Dương
Phú Tình, công nhân hướng dẫn xe đổ boongke (xí nghiệp mỏ tuyển), chia
sẻ: “Con nhỏ, vợ sắp sinh, nhà thì ở thuê ở mướn. Lương như hiện tại còn
không đủ sống, lấy đâu ra tiền để bồi thường cho công ty?
Tôi được cử đi học chuyên ngành vận hành máy gạt, nhưng khi về lại bố trí làm hướng dẫn xe đổ boongke. Việc này lao động phổ thông còn làm được chứ cần gì phải đi đào tạo?”. Trong tháng 4, anh Tình chỉ làm 12 công và thu nhập được 600.000 đồng. Anh Tình và một số công nhân khác đã làm đơn đề nghị được bố trí đúng công việc nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Thắng, phó giám đốc Công ty TNHH MTV
Nhôm Lâm Đồng, nói: “Hiện toàn tổ hợp có khoảng 1.500 lao động đang làm
việc. Tổ hợp đang trong giai đoạn chạy thử và chưa bán được alumin nên
gánh nặng về tiền lương vẫn do TKV chi trả. Có những lúc không có việc,
người lao động vẫn được hưởng lương chờ việc theo đúng quy định.
Hiện nhà máy alumin đang hoạt động chỉ với 50% công suất (tương đương 1.000 tấn alumin/ngày). Chỉ khi nào nhà máy hoạt động ổn định và đạt công suất thiết kế là 650.000 tấn/năm thì các chế độ với người lao động mới đảm bảo”.
Gần 300 lao động Trung Quốc làm việc tại Nhân Cơ Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ, tính đến ngày 2-5 có 291 lao động người Trung Quốc đang làm việc tại nhà máy. Thời điểm cao nhất có 500 chuyên gia và công nhân bậc cao, hầu hết số lao động này đều đã có giấy phép lao động. Sau thời gian này nhà máy sẽ do người Việt Nam quản lý, người nước ngoài sẽ rút về nước. Không có người nước ngoài tham gia công việc khai thác mỏ và quá trình vận hành nhà máy sau này. |
Theo Thái Bá Dũng - Gia Bảo