MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hải Dương muốn “dứt điểm” khiếu kiện tại khu công nghiệp Lai Vu

Sáng 15/8, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức họp báo nhằm thông báo về kế hoạch hỗ trợ chủ đầu tư khu công nghiệp Lai Vu hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến được thực hiện sau ngày 25/8 tới.

Đáng chú ý là, tùy tình hình thực tế, lực lượng công an có thể được huy động để “hỗ trợ an ninh trật tự” cho việc xây dựng này, sau những rắc rối gần đây.

Bất đồng trong giải phóng mặt bằng


Theo bản báo cáo “Tóm tắt tình hình liên quan đến khu công nghiệp Lai Vu” được UBND tỉnh Hải Dương công bố tại cuộc họp báo, có thể thấy đang có bất đồng khá lớn giữa một bên là chính quyền Hải Dương, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Petro Vietnam) với bên kia là một bộ phận nhân dân tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành, là địa bàn triển khai dự án.

Dự án khu công nghiệp Lai Vu ban đầu được biết đến với tên gọi khu công nghiệp Tàu thủy Hải Dương, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1420/QĐ-TTg ngày 2/11/2001 và Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 11/11/2002.

Từ khi được phê duyệt và bàn giao mặt bằng, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã triển khai thi công cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện rất chậm do hai nguyên nhân chính là sự đổ vỡ của Vinashin và “tình hình khiếu kiện, ngăn cản của một bộ phận nhân dân xã Lai Vu”.

Thực hiện Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng về việc tái cơ cấu Vinashin và chuyển giao nguyên trạng khu công nghiệp sang cho Petro Vietnam, ngày 30/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1757/QĐ-TTg cho phép đổi tên dự án thành khu công nghiệp Lai Vu, với công năng là khu công nghiệp đa năng.

Theo đơn giá bồi thường đất nông nghiệp năm 2004, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 145/TT-BTC-QLCS của Bộ Tài chính, cộng với chính sách hỗ trợ của tỉnh Hải Dương, số tiền bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi 1 m2 đất nông nghiệp khi thực hiện dự án là 36.850 đồng/m2 đối với đất nông nghiệp hạng 1 và 34.350 đồng/m2 đối với đất hạng 2.

Theo UBND tỉnh Hải Dương, tổng số tiền Vinashin phải chi trả cho 1.154 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng là gần 78,4 tỷ đồng, trong đó đã chi trả cho 838 hộ dân (chiếm 72,61%), còn 316 hộ chưa nhận tiền bồi thường (chiếm 27,39%).

Công ty TNHH Một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu đã chuyển đầy đủ tổng số tiền đền bù giải phóng mặt bằng của các hộ dân chưa nhận là 20,436 tỷ vào tài khoản của ban giải phóng mặt bằng huyện Kim Thành, cũng như thanh toán trả lãi cho các hộ dân chưa nhận tiền đền bù đất ở mức cao nhất theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh với số tiền lãi phát sinh đến ngày 31/12/2011 là 19,252 tỷ đồng vào tài khoản của ban giải phóng mặt bằng huyện Kim Thành.

Theo định kỳ quý, tháng, ban giải phóng mặt bằng huyện Kim Thành đã thông báo đến từng hộ chưa nhận tiền và niêm yết công khai tại nhà văn hóa các thôn, UBND xã và thông báo trên hệ thống truyền thanh xã đề nghị các hộ dân đến nhận tiền, nhưng đến nay các hộ vẫn chưa nhận tiền.

Theo UBND tỉnh Hải Dương, lý do của việc chưa nhận tiền là kể từ ngày 2/9/2004, một số công dân xã Lai Vu đã ký đơn gửi UBND tỉnh khiếu nại về việc không dân chủ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, không đồng ý với đơn giá đền bù, hỗ trợ và một số nội dung về việc làm của người dân sau thu hồi đất.

Tỉnh Hải Dương và Thanh tra Chính phủ đã có các quyết định khẳng định tính đúng đắn của chủ trương đầu tư khu công nghiệp cũng như quá trình thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng căng thẳng và khiếu kiện tiếp tục kéo dài đến nay.

Trước tình hình khiếu kiện phức tạp mới của một bộ phận nhân dân xã Lai Vu, từ tháng 9/2011 đến nay, UBND tỉnh đã chủ trì tổ chức nhiều cuộc họp, trong đó có hai cuộc do lãnh đạo UBND tỉnh đồng chủ trì cùng lãnh đạo Petro Vietnam với sự tham gia của sở, ngành có liên quan để bàn biện pháp giải quyết nhằm ổn định tình hình.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo đầu tư hỗ trợ kinh phí nhằm đầu tư xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội tại xã Lai Vu với tổng số vốn đầu tư hỗ trợ là 65,284 tỷ đồng.

Vẫn theo UBND tỉnh Hải Dương, trong thời gian qua, một số công dân xã Lai Vu vẫn liên tục lên tỉnh, Trung ương khiếu nại rất gay gắt. Từ 2012 đến nay, hằng ngày có khoảng 30-40 người dân xã Lai Vu vào khu công nghiệp trồng cây (chuối, đỗ, lạc, vừng) gây cản trở hoạt động triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.

Lý do những người dân này đưa ra là: dân chưa nhận tiền đền bù, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dân đang giữ, vậy đất là của dân, nên dân có quyền canh tác.

Lo nhà đầu tư bỏ đi


Do suy thoái kinh tế, Vinashin không đủ năng lực đầu tư, hiện nay mới có 11 dự án đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào khu công nghiệp này, trong đó có 9 dự án đã xây dựng nhà máy, chủ yếu của các công ty con của Vinashin.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nhà máy đã dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng suốt từ năm 2008 đến nay.

Để khu công nghiệp đi vào hoạt động có hiệu quả, UBND tỉnh Hải Dương đã thu hút, kêu gọi được hai nhà đầu tư lớn là Công ty TNHH May Tinh Lợi và Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal để đầu tư các dự án dệt, may với tổng số vôn đầu tư là 557 triệu USD.

Ngày 5/2/2013, hai nhà đầu tư trên đã được nhận bàn giao 31,17 ha đất, hoàn thiện hồ sơ và đến ngày 8/4/2013 đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án trên, làm căn cứ triển khai các công việc tiếp theo.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Hải Dương, vào ngày 18/6/2013, khi các công ty Tinh Lợi và Pacific Crystal chuẩn bị phương tiện, dụng cụ và nhân lực để triển khai thi công khoan thăm dò địa chất trên diện tích đất được thuê để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng thì một bộ phận nhân dân xã Lai Vu - chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em - đã tụ tập và có những hành động thóa mạ, ngăn cản quyết liệt, do vậy hai công ty với khoảng 100 nhân viên bảo vệ buộc phải dừng việc triển khai thi công.

Ngày 19/7/2013, có khoảng 200 người dân xã Lai Vu do các ông Bùi Khắc Đờn, Bùi Duy Tôn dẫn đầu kéo đến cổng phụ của công ty container trong khu công nghiệp Lai Vu. Tại đây, họ đã tự dựng một lều bạt canh giữ đất và tổ chức thắp hương cúng lễ, với mục đích sau này sẽ xây một số mộ giả trong khu công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải thu hẹp, tạm dừng sản xuất, thậm chí phá sản, việc thu hút được hai nhà đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư lớn như trên là cơ hội tốt cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, của huyện kim thành và xã Lai Vu nói riêng.

"Khi hai dự án đi vào hoạt động sẽ thay đổi đáng kể tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân xã Lai Vu. Nếu cơ hội này bị bỏ qua, khu công nghiệp Lai Vu sẽ tiếp tục gặp khó khăn, hạ tầng khu công nghiệp này sẽ ngày càng xuống cấp, tài nguyên đất và các nguồn lực khác của nhân dân, của xã hội sẽ tiếp tục bị lãng phí một cách nghiêm trọng. Điều đó cũng sẽ tác động tiêu cực đến việc giải quyết, khắc phục những khó khăn, phức tạp khác về mặt kinh tế, xã hội của địa phương”, ông Hiển khẳng định.

Đó là lý do khiến UBND tỉnh Hải Dương quyết định "tổ chức có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ cho hai doanh nghiệp triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng và vận hành nhà máy đúng tiến độ".

Hoạt động này dự kiến được tổ chức sau ngày 25/8 tới và thông điệp của UBND tỉnh Hải Dương là sẽ vào cuộc để giải quyết dứt điểm những tồn tại tại khu công nghiệp này.

Đáng chú ý là lực lượng công an sẽ được huy động để "hỗ trợ an ninh trật tự" cho hoạt động này, cho dù theo ông Phạm Văn Loan, Phó giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, quy mô và mức độ tham gia của lực lượng công an sẽ "tùy vào tình hình cụ thể".

VnEconomy sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này, trong bối cảnh công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều tỉnh thành phía Bắc gặp khó khăn và cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau trong vài năm trở lại đây.

Theo Anh Minh

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên