MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàn Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam

Thông tin này được ông HongSun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết.

Năm 2015 là một dấu mốc quan trọng cho nền kinh tế đất nước khi hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ được ký kết và thực thi. Ngày 5/5 vừa qua, Hiệp định được ký kết đầu tiên là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc, việc thực thi Hiệp định vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức nếu doanh nghiệp nước ta không có chiến lược hội nhập bài bản, rõ ràng. Để hội nhập thành công, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm kỷ luật thị trường.

Hội nhập, thách thức lớn hơn

Theo đại diện của nhiều doanh nghiệp, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc được thực thi, hàng xuất khẩu của nước ta sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa mạnh mẽ từ phía Hàn Quốc. Đồng thời, nâng cao hiệu quả nhập khẩu đối với các nhóm hàng nguyên liệu, phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ một số thị trường truyền thống, góp phần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu…

Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ được giảm thuế cao khi nhập khẩu vào Hàn Quốc

Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức về cạnh tranh, nếu doanh nghiệp không khai thác những lợi thế từ Hiệp định thì sẽ chịu rất nhiều rủi ro, bất lợi. Ông Nguyễn Đỗ Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần may Parosy cho rằng: "Doanh nghiệp Việt Nam bây giờ mới đang trong giai đoạn gia công. Khi hội nhập, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn. Hiện các nhà đầu tư FDI ở ngành dệt may, đang đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng các nhà máy từ các khâu dệt vải, nhuộm… Họ mạnh hơn mình do họ có đầu ra lớn. Do đó thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam càng khó khăn hơn”.

Theo Hiệp định, Hàn Quốc sẽ cắt giảm hơn 97% giá trị thuế nhập khẩu đối với các nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam như: tôm, cua, cá, hoa quả, nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí ..., Việt Nam sẽ cắt giảm thuế quan gần 93% giá trị nhập khẩu đối với nhóm hàng công nghiệp, trong đó có các nhóm: nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đăng Doanh cho rằng: hiện nước ta có đến hơn 90% các doanh nghiệp là vừa và nhỏ, do đó khi mở cửa đòi hỏi doanh nghiệp phải có kỷ luật thị trường, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp; không nên có những tư tưởng trông chờ mà phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, đi lên bằng chính nội lực của mình. Do đó, các doanh nghiệp cần phải liên kết lại với nhau để có được sản lượng có giá trị thương mại có thương hiệu và làm theo đúng kỷ luật của thị trường, phải biết về những yêu cầu về nhãn mác về xuất sứ hàng hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải làm rất nghiêm ngặt nếu không đáp ứng được những điều kiện đề ra thì sẽ không xuất khẩu được khi đó khó cơ hội mở ra doanh nghiệp.

Nhằm tạo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc, cho biết: hiện Cục Xúc tiến thương mại đang đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin về thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp về năng lực phân tích nghiên cứu thị trường, phối hợp với các đối tác Hàn Quốc triển khai chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp về nâng cao năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm mới.

Hàn Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào nước ta trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư trang thiết bị công nghệ, nâng cao tay nghề và năng lực của người lao động. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của khách hàng nhằm tiếp cận thị trường.

Theo ông Sơn, các doanh nghiệp cần nắm rất rõ các cam kết của hiệp định thương mại mới tạo ra cơ hội và biết thách thức để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Ông HongSun, Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc là một sự kiện rất lớn về kinh tế của hai quốc gia. Thời gian tới, , do đó để tận dụng được những lợi thế từ Hiệp định mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược phát triển lâu dài với các đối tác Hàn Quốc. Nhiều tập đoàn Hàn Quốc đang quan tâm và trực tiếp đầu tư hợp tác vào Việt Nam.

Ông HongSun còn cho rằng, để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm được thuận lợi thì nên hợp tác hoặc chia sẻ với một vài công ty nước ngoài có kinh nghiệm. Đồng thời, cần theo dõi sát sao các thông tin và có thể hợp tác, chia sẻ với các công ty của Hàn Quốc để tiến tới xuất khẩu trong thời gian tới.

Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Từ năm 2011, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành đối tác lớn thứ 2 cung cấp hàng hoá cho Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc. Sau năm 2015, hai nước phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 30 tỷ đô la Mỹ. Năm 2014, Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Việc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với nước này một phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm kinh nghiệm kinh doanh và cạnh tranh với các đối tác lớn phát triển./.

Theo Nguyễn Hằng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên