MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Việt nguy cơ bị kiện chống bán phá giá ở mọi thị trường

Ông Lê Sỹ Giảng, Trưởng nhóm tư vấn phòng vệ thương mại (Công ty Luật SMiC) đã cho biết như vậy tại cuộc Tọa đàm "Xử lý và sử dụng hiệu quả các biện pháp điều tra phòng vệ thương mại trong khi doanh thời hội nhập" diễn ra vào sáng 18/8 do Công ty Luật SMiC phối hợp với Trade Remedies Consulting tổ chức.

Cuộc tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của đại diện các Hiệp hội ngành, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và chuyên gia nước ngoài tham gia giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề điều tra phòng vệ thương mại với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng như hàng nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.

Nguy cơ bị kiện chống bán phá giá ở mọi thị trường

Ông Lê Sỹ Giảng cho biết, trung bình mỗi năm có 200 vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại khác nhau, trong số hơn 4.000 vụ có khoảng 3.508 vụ dẫn đến việc áp thuế và xu hướng càng ngày số lượng càng gia tăng khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu đi xuống.

Trong đó, thép và hoá chất, nhựa là những ngành hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất do đây là những ngành công nghiệp cơ bản, dựa nhiều vào máy móc.

Dẫn trường hợp Việt Nam, ông Giảng cho biết từ năm 1994 đến hết 2014, Việt Nam có 46 vụ chống bán phá giá và trong đó 34 vụ dẫn đến việc áp thuế chống bán phá giá.

"Sản phẩm của Việt Nam xuất sang thị trường nào đều có nguy cơ bị kiện ở nước đó. Từ hàng nông sản như tôm, cá đến ngành chế tạo sắt thép, nhựa, da giày, phụ tùng và sợi, vải… Các nước kiện Việt Nam cũng rất đa dạng, từ Mỹ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ cho Ấn Độ", ông Giảng thông tin.

Ông Giảng cũng cho biết, chỉ tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với ngành thép lên đến 7 vụ nguyên nhân là do ngành thép có sản phẩm đa dạng, việc đầu tư lớn dẫn đến nhu cầu quay vòng vốn nhanh, việc thị trường đi xuống khiến các công ty thép sẵn sàng bán dưới giá để thu hồi vốn.

Trong đó, thép từ Trung Quốc có nguy cơ bán phá giá tại thị trường Việt Nam là rất lớn vì xuất khẩu sụt giảm nên Trung Quốc sẵn sàng bán tống bán tháo thép sang các nước.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến ngành thép xảy ra nhiều cuộc điều tra do việc chuẩn bị hồ sơ, dữ liệu để tiến hành khởi kiện tương đối dễ dàng, sẵn có.

Việt Nam học gì từ Thổ Nhĩ Kỳ?

Chia sẻ về kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Serdar Baskin, Giám đốc Công ty tư vấn phòng vệ thương mại (TRC), nguyên Trưởng Ban điều tra phòng vệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, bối cảnh của Việt Nam hiện tại giống như Thổ Nhĩ Kỳ cuối những năm 90 khi ông với tư cách Trưởng ban chống bán phá giá cũng nhận ra vai trò của Hiệp hội và việc điều phối của Hiệp hội trong các vụ kiện nhưng hầu hết các đơn vị này lại không có kinh nghiệm và hiểu biết cần thiết để thực hiện.

Do đó, Ban chống bán phá giá đã phải hướng dẫn các Hiệp hội để Hiệp hội hiểu cách làm, tập hợp các thành viên trong Hiệp hội cùng đứng chung đơn kiện.

Trường hợp của Việt Nam, ông cho biết do Cơ quan quản lý cạnh tranh có nguồn lực tương đối thiếu nên không thể giúp hết các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp hoặc các Hiệp hội có nhu cầu nên tìm đến sự tư vấn của các công ty luật, ông Serdar khuyến nghị.

"Việc điều tra phòng vệ thương mại mất thời gian tương đối dài nên doanh nghiệp, Hiệp hội thấy có sự đột biến cần hành động nếu không kịp sẽ thiệt hại ghê gớm cho ngành", ông cảnh báo.

Ông Serdar Baskin cũng cho biết, khi các doanh nghiệp Việt theo đuổi các vụ kiện với doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, biện pháp chống bán phá giá là công cụ được WTO cho phép, và cần trải qua nhiều vụ kiện để có kinh nghiệm nhất định.

Thổ Nhĩ Kỳ từng tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá mặt hàng ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội của Việt Nam

Đáng lưu ý, ông Serdar Baskin nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam nên theo dõi chặt các biện pháp và các thị trường do hầu hết các nước trên thế giới đang chống lại Trung Quốc, nếu Trung Quốc bị áp thuế, Việt Nam sẽ có lợi thế.

Ngoài ra, ông Serdar Baskin cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ thường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho khoảng thời gian rất dài, thậm chí tới 10 năm nên doanh nghiệp vướng vào điều tra mà không hợp tác sẽ bị áp mức thuế cao nhất, làm mất đi cơ hội tiếp cận một thị trường Thổ Nhĩ Kỳ rất lớn và có mức thu nhập bình quân cao, 90 triệu dân và mức sống 12.000-15.000 USD.

"Một khi chúng ta bị kiện, chúng ta cũng nên sẵn sàng tâm lý đi khiếu nại. Có 2 kênh khiếu nại là toà án của nước áp dụng hoặc đưa ra WTO để giải quyết. Ở các nước đang phát triển, việc này tương đối dè dặt và do đó doanh nghiệp nên thuê hãng luật tư vấn", ông Serdar Baskin bổ sung thêm.

Ông Lê Thành Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC cho biết, hiện các công ty luật tại Việt Nam có khả năng tư vấn cho doanh nghiệp liên quan đến vấn đề điều tra phòng vệ thương mại không nhiều vì yêu cầu tư vấn có tính kỹ thuật cao. SMiC là một trong số ít các đơn vị đó vì có một đội ngũ luật sư và chuyên gia từng làm việc điều tra tại Cục Quản lý cạnh tranh.

Theo thông tin từ ông Serdar Baskin, Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu sự điều tra phòng vệ thương mại của các nước khác như Hoa Kỳ, Canada trong khi coi Trung Quốc là mục tiêu số 1, tiếp sau đó là Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam.

Hiện những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ nhiều nhất là điện thoại di động, máy tính xách tay, sợi, giày dép… và Thổ Nhĩ Kỳ đang áp thuế đối với 7 sản phẩm của Việt Nam là sợi, sợi tổng hợp, sợi tự tạo, điều hoà không khí treo tường, lốp xe, bật lửa, dây cu-loa…

Cũng tại cuộc toạ đàm, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, hầu hết các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam diễn ra thời gian qua đến từ ASEAN do việc mở cửa thị trường trong khối.

Bà Giang thừa nhận, Việt Nam thời gian gần đây đã có bước tiến mới trong hoạt động khởi kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, so với Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam thực sự chỉ mới là sự khởi đầu.

Theo NGUYỄN THẢO

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên