MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết sợ lạm phát: 2015 yên tâm tăng trưởng

Bức tranh kinh tế khởi sắc trong năm 2014 vừa qua kết hợp với những cơ hội tăng trưởng khi Việt Nam từng bước bắt đầu thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do tạo ra nhiều kì vọng phát triển cho kinh tế và kinh doanh trong năm 2015.

Kinh tế Việt Nam 2014 và những bước chuyển mình tích cực

Tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam được đánh giá là tốt nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Theo nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi gặp mặt cử tri Hải Phòng vào tháng 12/2014 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 đạt 5,98%, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra và cao hơn năm 2013 (5,42%), đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc).

Nếu so với giai đoạn trước khủng hoảng 2008, thời điểm GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng lên tới 8,48% thì mức tăng dưới 6% này vẫn là một con số khiêm tốn. Tuy nhiên, đặt vào toàn cảnh kinh tế và chính trị thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay thì đây là một con số rất đáng ghi nhận.

doanh-nhân, 2014, 2015
Hình 1: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ năm 2011 đến 2014 (Đơn vị: %). Nguồn: Tổng cục Thống kê

Kinh tế phục hồi ấn tượng trong năm vừa qua một phần nhờ vào sự góp sức đáng kể của ngành Công nghiệp - Xây dựng với mức tăng 7,14% so với năm trước, đóng góp 2,75 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP chung. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 2011 trở lại đây của ngành Công nghiệp - Xây dựng, chủ yếu nhờ vào sự chuyển biến tích cực của ngành chế biến, chế tạo và sự ấm lên của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, năm 2014 cũng tiếp tục là một năm thành công trong việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam, khi lạm phát cả năm được kiểm soát ở mức thấp, 4,09%. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cả các mặt hàng đều được giữ ổn định, và đặc biệt là sự giảm mạnh của giá xăng dầu trong dịp cuối năm khiến chỉ số giá nhóm giao thông giảm mạnh. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát một khi tiếp tục được kiểm soát tốt sẽ góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng toàn nền kinh tế

doanh-nhân, 2014, 2015
Hình 2: Tình hình lạm phát ở Việt Nam từ năm 2011 đến 2014 (Đơn vị: %) Nguồn: Tổng cục Thống kê

 

Năm 2015: những cơ hội trước mắt cho doanh nghiệp Việt

Dự báo kinh tế Việt Nam khả quan

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới được công bố (tháng 1/2015), WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức 3% trong năm 2015, thấp hơn so với mức ước tính 3,4% được đưa ra trong tháng 6/2014. Tuy nhiên, WB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 5,6% trong năm 2015, và sẽ dần cải thiện hơn trong 2 năm tới (GDP sẽ đạt 6% trong năm 2017).

Tương tự, HSBC cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam khi đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng mạnh trong năm 2015 (GDP sẽ tăng lên mức 6,1%, cao hơn so với năm 2014). Chỉ số Nhà quản trị ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam đang dần tăng điểm, biểu thị sự tăng trưởng của các điều kiện kinh doanh. Theo các chuyên gia của HSBC, đà tăng này sẽ được duy trì trong năm 2015 nhờ vào 4 trụ cột: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự hồi phục của thị trường xuất khẩu lớn nhất - Mỹ; nỗ lực tự do hóa thương mại của Việt Nam và giá hàng hóa nguyên liệu (dầu thô, than đá...) giảm.

Có thể thấy, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ "tươi sáng" hơn trong năm 2015, sẽ tiếp nối đà hồi phục của năm 2014. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn "rất khó đoán" (theo Kaushik Basu, Nhà kinh tế trưởng của WB), do đó Việt Nam vẫn phải giữ sự thận trọng cần thiết trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong năm nay (GDP tăng khoảng 6,2%, lạm phát khoảng 5%...)

Niềm tin kinh doanh ngày càng được củng cố

Trong buổi phỏng vấn đầu năm nay với Vietnam Report, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhận định: "Nền kinh tế của chúng ta đang trên đà phục hồi rõ nét và có lẽ niềm tin này sẽ được củng cố trong năm 2015 với xu hướng phục hồi tốc độ tăng trưởng". Niềm tin phục hồi, cùng với những kỳ vọng hội nhập kinh tế toàn cầu sâu và rộng hơn nữa thông qua các cam kết Hiệp định Thương mại tự do dự kiến sẽ đàm phán thành công và chính thức được ký kết trong năm 2015, sẽ là bước khởi động quan trọng để dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường quốc tế.

Ngoài ra, năm 2015 cũng là năm mà cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước được chú trọng đẩy mạnh, những đề án cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới chính sách để thu hút đầu tư, tận dụng nguồn nhân lực phát triển nền kinh tế... cũng được Quốc hội và Chính phủ tập trung hơn nữa, từ đó tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh và cạnh tranh công bằng.

Đối với khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), trong năm nay doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng tốt hơn với kế hoạch giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 1 đến 1,5% của Ngân hàng Nhà nước, từ đó biến "nỗi lo về vốn" trở thành " sự tự tin tăng trưởng" trong tương lai.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp Việt thực sự khỏe mạnh, tăng trưởng bền vững và sẵn sàng cạnh tranh toàn cầu, TS. Cung cho rằng: "Chính phủ vẫn cần thêm nhiều cải cách hơn nữa theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh, nâng cao mức độ an toàn trong kinh doanh và nhấn mạnh đến quyền tài sản của doanh nghiệp... Các doanh nghiệp cần phải biết chấp nhận những chuẩn mực toàn cầu, như về kiểm toán, quản trị, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp toàn cầu, để đứng chung sân chơi với các doanh nghiệp toàn cầu khác."

Khởi động năm 2015 với niềm tin và sự lạc quan kinh doanh, hi vọng rằng các doanh nghiệp sẽ luôn sẵn sàng và nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng, để từng doanh nghiệp - từng "tế bào kinh tế" ngày càng khỏe mạnh hơn, góp phần đưa Việt Nam tiến xa hơn nữa trên trường quốc tế.

Theo Lệ Thủy

PV

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên