Hiến kế cho kinh tế
PGS.TS Ngô Trí Long, TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đưa ra ý kiến, nhận định của mình.
PGS.TS Ngô Trí Long: Cần cuộc cải cách lần hai về môi trường kinh doanh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, để đo sức khỏe của doanh nghiệp trong năm 2013 chỉ cần nhìn vào tổng thu của ngân sách.
Hàng hóa ế ẩm, sức mua kém, doanh nghiệp chậm nộp thuế, đóng cửa, phá sản tiếp tục tăng... là những dấu ấn dễ thấy nhất về hoạt động của các doanh nghiệp Việt trong năm qua.
PGS TS Ngô Trí Long
Tuy nhiên, dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn có những “đốm sáng” doanh nghiệp Việt đạt kết quả kinh doanh tốt với khoản lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Nhưng nhìn kỹ, những đốm sáng này chủ yếu tập trung vào những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với trình độ quản trị cao, chuyên nghiệp.
Một số doanh nghiệp phát triển được lại là nhờ kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu thường xuyên của người dân.
Ở góc khác, những “quả đấm thép” chủ lực của nền kinh tế không tạo được nhiều dấu ấn khi nhiều đơn vị vẫn phải loay hoay tái cơ cấu, tìm nguồn trả nợ.
“Để lại dấu ấn trong tôi cũng như nhiều người khác chính là những doanh nghiệp biết cách vượt qua chính mình để vươn lên trong bối cảnh khó khăn.
Trong năm tới, theo tôi, tình hình sẽ còn tiếp tục khó khăn. Để vượt qua được và chứng tỏ mình, các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực gấp hai, gấp ba lần so với năm 2013.
Nhưng để làm được điều này, vấn đề lớn với các doanh nghiệp chính là khả năng hấp thụ vốn, đầu ra không có trong khi những yếu tố rủi ro về giá, biến động giá đầu vào luôn rình rập khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”, ông Long nói.
Năm 2013, nhiều chính sách được đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng đáng tiếc, nhiều doanh nghiệp không thụ hưởng được nhiều vì hầu hết là các giải pháp tình thế chỉ có tác dụng gỡ khó trước mắt chứ không giải quyết được triệt để những khó khăn cơ bản của doanh nghiệp. Một số chính sách đưa ra chậm nên không hỗ trợ được nhiều.
Điển hình nhất là gói hỗ trợ lãi suất 30 nghìn tỷ cho người thu nhập thấp mua nhà. Nếu đưa ra đúng thời điểm, chắc chắn đây là một cú huých với thị trường bất động sản, giúp nhiều ngành nghề khác vượt qua được khó khăn nhờ tác động lan tỏa của gói này. Ngay việc các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất thấp nhưng có mấy doanh nghiệp vay được.
Chắc chắn Chính phủ đã tiên lượng được những khó khăn đó và sẽ phải có các nghị quyết nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng đó phải ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế việc thắt chặt tín dụng và thực hiện những cải cách đột phá trong những điểm nghẽn của nền kinh tế như: Thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẽ giúp hỗ trợ cho nền kinh tế rất nhiều.
“Cần phải tiến hành một cuộc cải cách lần thứ hai về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính. Nếu những rào cản này vẫn còn tồn tại, chắc chắn doanh nghiệp không thể phát triển được trong năm 2014”, ông Long nói.
TS Lê Đăng Doanh:Đừng mong chờ ưu đãi
Năm 2013 là một năm vất vả với hầu hết các doanh nghiệp khi tất cả đều phải cố gắng tìm mọi cách vượt qua khó khăn để trụ lại và tồn tại, sống sót trên thương trường.
Có nhiều doanh nghiệp có những bước cải tiến rất mạnh mẽ để giảm được chi phí. Những doanh nghiệp tồn tại được cho đến nay là một thành công lớn.
Có thể kể ra khá nhiều doanh nghiệp như vậy như: Gốm sứ Minh Long, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông... Trong năm nay, dù khó khăn nhưng họ vẫn phát triển được. Đây là điều chúng ta cần hoan nghênh.
TS Lê Đăng Doanh
Phải thừa nhận, những doanh nghiệp này trụ được và phát triển do họ đã có đổi mới rất nhiều, vận dụng khoa học công nghệ trong sản xuất cũng như trong quản lý điều hành chứ không phải nhờ những ưu đãi chính sách.
Tất nhiên, làm được điều này không phải dễ dàng. Không ít doanh nghiệp đã phải đánh đổi khá nhiều những lợi thế trước mắt để xây dựng, tạo dựng bàn đạp vững chắc cho các năm tiếp theo.
Cũng phải nhìn nhận vì sao có doanh nghiệp vẫn phát triển tốt trong khi hầu hết các đơn vị khác lại “chết”. Ngay cả ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đây là mặt khác của nền kinh tế Việt Nam.
“Trước hết, để có được thành công, doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào tài năng quản lý của những người đứng đầu. Sau đó mới là những điều kiện khác như mức độ thuận lợi của nền kinh tế, các chính sách ưu đãi. Nói cách khác, không nên trông chờ những ưu đãi.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, chính sách được ban ra nhiều nhưng đến với doanh nghiệp còn hạn chế. Chẳng hạn, Chính phủ và các cơ quan quản lý có nói có dành tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng những chính sách ít khi đến được tay doanh nghiệp.
Trong năm 2014, để doanh nghiệp có sức hồi phục, Chính phủ và ngành ngân hàng sẽ phải tiếp tục ổn định tỷ giá và có mức lãi suất hợp lý cho thị trường, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Việc tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế phải xuất phát từ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu cứ đưa ra những điều kiện cứng nhắc thì các chính sách đưa ra sẽ trở thành vô nghĩa.
Năm 2014 kinh tế được nhận định vẫn đi ngang, chưa có cơ hội hồi phục. Vì vậy các chính sách thuế và tài chính đóng vai trò rất quan trọng. Phải làm sao khuyến khích doanh nghiệp làm ăn hiệu quả.
Sắp tới, nền kinh tế chỉ có sự cất cánh nhanh khi giải quyết được cục nợ xấu, bất động sản, cải cách hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước, dù đây là điều không phải dễ dàng.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành:Giảm lãi suất để cứu doanh nghiệp
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành khẳng định để cứu doanh nghiệp thì phải giảm lãi suất. Theo ông Thành, chính sách về tiền tệ năm 2012-2013 đã không thành công trong việc cung ứng đủ vốn với lãi suất hợp lý để doanh nghiệp (DN) ổn định hoạt động.
Hiện, cả nước có trên 55.000 DN giải thể và ngừng hoạt động, điều này cho thấy sức khỏe của nền kinh tế đáng lo như thế nào.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành
Theo ông Thành, trong năm 2014, có 2 việc nhà nước cần làm gấp. Thứ nhất là giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất vay để DN cạnh tranh được với DN các nước trong khu vực.
Hiện, các công ty đầu tư nước ngoài vào VN đang vay vốn ngân hàng nước họ với lãi suất khoảng 1-3%/năm hoặc 5-7%/năm tùy từng nước, thậm chí có công ty hưởng lãi suất 0% khi đầu tư ra nước ngoài; trong khi DN Việt Nam đang phải vay thấp nhất là 9%/năm, đa phần vay với lãi suất 11%/năm hoặc cao hơn. Nếu để lãi suất như hiện nay, DN Việt Nam khó cạnh tranh được với DN nước ngoài.
Ông Thành cũng cho biết, sau lãi suất, nhà nước cũng cần thay đổi chính sách về thuế. Có mặt hàng vẫn giữ 10% thuế giá trị gia tăng, nhưng có mặt hàng 5% và thậm chí có mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế lúc này thì nên giảm thuế giá trị gia tăng về 0%.
Trong năm 2014, nhà nước cần chú trọng chính sách hỗ trợ tăng xuất khẩu. Nếu công tác điều tiết tiền của Ngân hàng Nhà nước tốt, chính sách tài khóa tốt hơn, bức tranh kinh tế năm 2014 mới có hy vọng sáng sủa hơn.
GS.TSKH Nguyễn Mại:Kích hoạt nhanh hơn thị trường bất động sản
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, trong năm 2014, ngoài việc giải cứu DN nhất là DNNVV và làm cho tác dụng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với DN trong nước nhanh hơn có hiệu quả hơn, biện pháp quan trọng là nhà nước phải kích hoạt nhanh hơn thị trường bất động sản.
Cho đến nay, câu chuyện 30.000 tỷ đồng đối với thị trường bất động sản vẫn chưa đưa lại hiệu quả mong muốn, gần 9 tháng mới giải ngân chưa đầy 2%.
GS.TSKH Nguyễn Mại
Con số đó, làm giảm lòng tin của các chủ đầu tư cũng như người mua đối với chủ trương. Phải tìm cho trúng nguyên nhân để năm 2014 gỡ được “nút thắt” cả ở thủ tục và điều kiện cho vay để 30.000 tỷ đồng được thực hiện đúng mục đích và đúng đối tượng khi điều kiện thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chuyển động tuy còn chậm.
Nếu khôi phục được một phần đáng kể hoạt động của thị trường này trong năm 2014, thì có thể gia tăng tốc độ tăng trưởng, bởi vì không chỉ nhà và đất, mà hàng loạt ngành công nghiệp và dịch vụ gắn với nó như xi măng, sắt thép, gạch đá, cát sỏi, nội thất, dịch vụ môi giới… cũng có cơ hội phục hồi.Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Rốt ráo xử lý nợ xấu
Thứ hai là đối với khối DNNN, mặc dù đã thông qua nhiều đề án nhưng tương lai của DNNN chưa được rõ nét. Vì theo nghị định sắp được thông qua, quy định về đầu tư công đang được tranh luận lại chưa có đầu tư nhà nước nên vẫn còn lúng túng. Đây cũng là một nút thắt cần tháo gỡ.
Thứ ba là vấn đề về sức cạnh tranh của một số sản phẩm chủ lực. Trong thời gian qua đã xuất hiện tình huống sức cạnh tranh giảm sút, kể cả mặt hàng lợi thế của ta là nông sản. Bây giờ tập trung vào mặt hàng nào và làm như thế nào là một vấn đề rất quan trọng cần phải bàn kỹ và có giải pháp rõ ràng. Cuối cùng là về cơ chế, phải đột phá trong quản lý nhà nước.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):Đẩy mạnhcải cách DNNN
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, để nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam trong thời gian tới, có hai nhóm giải pháp lớn cần thực hiện là đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và xây dựng một chương trình gia tốc để cải thiện môi trường đầu tư.
Về nhóm giải pháp thứ nhất, để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, cần nhanh chóng cải cách khu vực DNNN, làm cho khu vực này hoạt động hiệu quả hơn. Việc tiếp tục ưu tiên, ưu đãi cho DNNN sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của khu vực này và cả nền kinh tế.
Để cải cách DNNN cần áp dụng triệt để các nguyên tắc, kỷ luật thị trường trong hoạt động của DNNN như hạch toán đầy đủ các chi phí vốn, buộc DN và người quản lý DN phải chịu đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động của mình, tách bạch các hoạt động kinh doanh và hoạt động chính trị - xã hội.
Bảo đảm không phân biệt đối xử, cạnh tranh thực sự bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân. Áp dụng các nguyên tắc quản trị hiện đại, tăng tính minh bạch trong quản trị đối với DNNN.
Tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện quyền sở hữu nhà nước. Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn của DNNN ra khỏi lĩnh vực kinh doanh để chuyển một phần nguồn lực sang các công việc khác cấp bách và cần thiết hơn.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa cao và chưa có sự chuyển biến lớn. Đây là điều đáng lo ngại. Đặc biệt trong bối cảnh các nước trong khu vực và thế giới đang và sẽ có những thay đổi nhanh chóng.
Do vậy, chúng tôi đề xuất Chính phủ xây dựng và thực hiện một chương trình tăng tốc để trong vòng 5 năm tới, Việt Nam trở thành một quốc gia hàng đầu của khu vực ASEAN về sự thông thoáng và hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Muốn thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: gia nhập thị trường, xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động.