Hiến pháp: Chỉ sửa những vấn đề thống nhất cao
Vừa phải chân thành lắng nghe ý kiến nhân dân, vừa phải kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc.
Ngày 2-5, BCH Trung ương đã khai mạc hội nghị lần thứ 7 (khóa XI) tại Hà Nội. Trong các nội dung sẽ thảo luận tại hội nghị này có Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992.
Chân thành lắng nghe ý kiến nhân dân
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi HP đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng trong toàn xã hội. Đồng bào, chiến sĩ cả nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm về cả nội dung và kỹ thuật lập hiến đối với hầu hết các chương, điều của dự thảo công bố lấy ý kiến nhân dân.
Trên cơ sở tổng hợp, phân loại, nghiên cứu ý kiến của nhân dân, Ủy ban Dự thảo đã lên dự thảo phương án tiếp thu, giải trình. Báo chí đã phản ánh, giới thiệu. Sau đó Bộ Chính trị đã thảo luận, có ý kiến chỉ đạo định hướng cho việc tiếp thu giải trình để hình thành dự thảo mới đưa ra hội nghị lần này để Trung ương thảo luận.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN
Về nội dung này, Tổng Bí thư đề nghị các ủy viên trung ương bám sát Cương lĩnh của Đảng, các nghị quyết, kết luận tại Hội nghị Trung ương 2, Hội nghị Trung ương 5 về sửa HP. Tinh thần là vừa chân thành lắng nghe ý kiến nhân dân, vừa kiên trì những vấn đề mà ông nhấn mạnh là có tính nguyên tắc, thuộc bản chất chế độ. Chẳng hạn tiếp tục khẳng định Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và do Đảng CSVN lãnh đạo; quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh giai cấp công - nông - trí thức…
Lần này chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao. Đối với những vấn đề mới hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau, Trung ương cần xem xét, trao đổi thật kỹ để có phương án tiếp thu, giải trình phù hợp.
Hệ thống chính trị, sao cứ “tách ra, nhập vào”
Cũng trong hội nghị này, Trung ương sẽ thảo luận về đề án tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó một nội dung lớn là tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đây là cơ sở để khóa trước sắp xếp, thu gọn các ban đảng ở trung ương và sáp nhập một số bộ, ngành ở trung ương. Tuy nhiên, sang khóa XI, Trung ương lại quyết định tái lập Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương.
Về nội dung này, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận làm rõ vì sao cải cách hành chính chưa đạt kết quả mong muốn; bộ máy tổ chức và tổng biên chế vẫn tiếp tục phình to, nhất là ở cấp tổng cục, các đơn vị trực thuộc bộ và chính quyền cơ sở. Tại sao tình trạng “tách ra, nhập vào”, “nhập vào, tách ra” vẫn lặp đi lặp lại; hoạt động của nhiều ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy khối vẫn lúng túng? Cần làm rõ việc đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể vì sao chưa lành mạnh, tình trạng “hành chính hóa” chậm được khắc phục?
Cần thảo luận những hạn chế, bất cập trong phân cấp của trung ương cho địa phương, có lĩnh vực quá rộng, thiếu kiểm tra, giám sát, ảnh hưởng đến sự quản lý thống nhất trên cả nước nhưng có lĩnh vực lại quá hẹp, chưa phát huy được quyền chủ động, tính năng động, sáng tạo của địa phương. Cùng với việc sắp xếp bộ, ngành ở trung ương, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện cũng sắp xếp lại, tuy có giảm đầu mối nhưng lại tăng các đơn vị bên trong sở, ngành. Việc thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường đang tiến hành nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử này.
Quy hoạch cán bộ chiến lược có vào, có ra
Một nội dung quan trọng cũng được thảo luận tại Trung ương 7 là dự kiến quy hoạch BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, được xây dựng trên cơ sở đề án Hội nghị Trung ương 6 đã thông qua. Quy hoạch dự kiến này là kết quả tổng hợp từ phát hiện, giới thiệu của các ủy viên trung ương đương nhiệm, sau đó Bộ Chính trị xem xét, thảo luận và có ý kiến sơ bộ.
Đây là lần đầu tiên việc quy hoạch cán bộ chiến lược khóa sau được triển khai sớm, bài bản từ ngay giữa nhiệm kỳ khóa trước, trên tinh thần quy hoạch mở, có điều chỉnh từng năm, có vào có ra cho tới trước khi tiến hành Đại hội Đảng. Vì vậy, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự cụ thể, sau đó giao cho Bộ Chính trị cân nhắc, quyết định chính thức.
Trong hội nghị quan trọng giữa nhiệm kỳ này, Trung ương cũng sẽ thảo luận nhiều đề án, báo cáo, tờ trình khác, như về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác dân vận; về sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng; về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Trung ương cũng sẽ bàn, quyết định một số vấn đề quan trọng khác liên quan đến công tác nhân sự của Đảng… Hội nghị Trung ương 7 dự kiến kéo dài chín ngày, bế mạc vào 11-5 tới. Một số nội dung, trong đó có vấn đề sửa đổi HP sau đó sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp QH, khai mạc ngày 20-5. |
Theo Nghĩa Nhân