MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàn thành cổ phần hóa VEC trong năm 2015

Hiện VEC đã thực hiện được tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành) ...

Sáng 23/1, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về Đề án Tái cơ cấu tổng thể mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ. Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ GTVT

Báo cáo về tình hình thực hiện công tác tái cơ cấu VEC, ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc VEC cho biết, hiện VEC đã thực hiện được tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành); VEC làm chủ đầu tư quản lý phần vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư trực tiếp vào 5 dự án cao tốc và cơ chế quản lý giám sát; đồng thời đã ban hành Quy chế thu và sử dụng tiền thu phí 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.

Về công tác cổ phần hóa, ông Mai Tuấn Anh cho rằng để cổ phần hóa VEC, cần phải xác định vốn điều lệ của Tổng công ty trước khi cổ phần hóa, để kêu gọi các cổ đông chiến lược và cổ đông khác tham gia. VEC nghiên cứu và đề xuất hai phương án điều chỉnh tăng vốn điều lệ đó là hình thành từ nguồn vốn NSNN đầu tư vào dự án và nguồn vốn từ nguồn thu phí.

Với hai phương án trên, VEC đề xuất Bộ GTVT trình Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng vốn điều lệ cho VEC trước khi cổ phần hóa từ 1.018 tỷ đồng lên 22.161 tỷ đồng (tương ứng với vốn NSNN đầu tư trực tiếp vào 5 dự án, vốn điều lệ hiện tại và phần dư sau đấu thầu 2 trạm thu phí).

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc tái cơ cấu của VEC gồm hai phần, tái cơ cấu 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC và cổ phần hóa Tổng công ty. Cụ thể, trong giai đoạn tái cơ cấu các dự án đường bộ cao tốc, cơ bản đã duyệt được 5 dự án điều chỉnh (điều chỉnh chính xác lại con số, không tăng về hạng mục, khối lượng), 5 phương án về tài chính; đồng thời quy định rõ cơ chế quản lý dự án, cơ chế quản lý tài chính, quản lý theo dõi thu phí của các dự án trên.

Về cổ phần hóa VEC, Thứ trưởng đề nghị VEC xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước về đầu tư đường bộ cao tốc để thu hút các nhà đầu tư tham gia; thực hiện đồng thời xây dựng phương án cổ phần hóa Tổng công ty và các đơn vị thành viên; cùng với đó nghiên cứu, thành lập bộ phận đầu mối nghiên cứu đầu tư phát triển, một số công ty trực thuộc VEC phải rà soát, thoái vốn hoặc tăng cường lên để đảm bảo sự hoạt động hiệu quả và tăng cường liên kết với các đối tác nước ngoài.

Đánh giá cao VEC trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh mặc dù phải tập chung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, xong VEC vẫn cố gắng, quyết tâm để xây dựng Đề án tái cơ cấu tổng thể mô hình tổ chức và hoạt động của VEC.

Bộ trưởng yêu cầu VEC phải có tổng kết, đánh giá sau 10 năm hoạt động, đề xuất phương án tái cơ cấu để xây dựng VEC là một đơn vị nòng cốt trong lĩnh vực đầu tư đường bộ cao tốc tại Việt Nam. Việc tái cơ cấu tổng thể mô hình tổ chức và hoạt động của VEC là nhu cầu thực tiễn khách quan, để hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật, tăng tốc phát triển, hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận, để VEC tham gia được nhiều dự án hơn.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu VEC cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa VEC. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Bộ trưởng yêu cầu phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, nguồn vốn, xác định vốn điều lệ của VEC phù hợp với sản xuất kinh doanh hiện tại cũng như trong tương lai; cùng với việc tái cơ cấu Tổng công ty phải tiến hành tái cơ cấu các dự án hiện có, đảm bảo quyền lợi nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Bộ trưởng yêu cầu sớm thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu, cổ phần hóa VEC để trong quý 1/2015 hoàn thành Đề án tái cơ cấu tổng thể mô hình tổ chức và hoạt động của VEC;  trong năm 2015, hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty; đồng thời tiến hành cổ phần hóa hoặc thành lập công ty cổ phần 3 dự án đường cao tốc đã cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác (Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Nội Bài - Lào Cai).

Tăng tốc cổ phần hóa và sự “thiệt thòi” của DNNN

Theo Xuân Nguyên

PV

Bộ Giao thông Vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên