MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nhập kinh tế quốc tế: Nước đã đến chân!

Nông sản của Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế từ lâu, nhưng thời điểm này, khi 7 hiệp định thương mại vừa được ký kết, thì việc hội nhập trở nên cấp thiết hơn bao giờ.

Đó là ý kiến của bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khi chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp hôm 9/4.

Tấn công chứ không phòng vệ

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) Trần Kim Long nhận định, quá trình chính thức hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam được đánh dấu với sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN năm 1995, gia nhập WTO năm 2007.

“Kể từ thời điểm đó, chúng ta liên tục đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), và hiện đang triển khai 7 hiệp định thương mại gồm Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); FTA ASEAN – Trung Quốc; FTA ASEAN - Ấn Độ; FTA ASEAN – Úc/Niu Di-lân; FTA ASEAN – Hàn Quốc; FTA ASEAN – Nhật Bản và FTA Việt Nam – Nhật Bản”, ông Long cho hay.

Còn theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế là một ngành kinh tế cung cấp sinh kế cho hơn 9,5 triệu hộ dân nông thôn.

Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong những nước XK hàng đầu thế giới về các mặt hàng như gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm gỗ và các sản phẩm thủy sản. Trên cơ sở những điều kiện nhất định của ngành nông nghiệp, nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế của ngành được đặc biệt chú trọng.

Báo cáo của Vụ Hợp tác quốc tế cho thấy, đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các đối tác đa phương, khu vực và song phương về lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN cam kết cắt giảm thuế mở cửa thị trường nhóm nông, thủy sản có 1.434/1.539 dòng thuế về 0%, lâm sản có 149 dòng thuế giảm xuống mức 0%; khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc cam kết giảm 90% dòng thuế về 0% vào năm 2018; khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ cam kết đưa 78% dòng thuế về mức 0% vào năm 2020; khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Australia cam kết đưa 91% dòng thuế về mức 0% vào năm 2020; khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc thực hiện xóa bỏ thuế quan vào 2016, một số dòng được linh hoạt đến 2018; khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Nhật Bản cam kết 88,6% số dòng thuế được xóa bỏ thuế quan; khu vực mậu dịch tự do Việt Nam - Nhật Bản có 93 dòng hàng hóa cắt giảm còn 5-10% thuế, 902 dòng cắt giảm còn 10-25%, 35 dòng còn 25-45%...

“Như vậy, chúng ta phải dũng cảm đương đầu với một thế giới phẳng chứ không thể co cụm, đóng cửa lại, tức là tấn công chứ không phải phòng vệ cho nông sản. Chẳng mấy chốc, xoài Thái Lan bán tại Bangkok cũng bằng giá xoài Thái Lan bán tại Hà Nội”, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó ban Kinh tế Trung ương, nhìn nhận.

img-480914584884
 

Quá trình không thể đảo ngược

Theo ông Lương Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ thương mại chính sách đa biên (Bộ Công thương), trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu hiện nay, ngoài việc hỗ trợ DN cải thiện năng lực cạnh tranh, xây dựng những thương hiệu nông sản mạnh thì rất cần mở rộng cơ chế toàn diện về thông tin hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là những cơ hội, thách thức của những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và chuẩn bị ký kết, từ đó giúp DN và địa phương xây dựng chiến lược và giải pháp đối phó, chủ động hội nhập…

"KHCN là khâu then chốt, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tái cơ cấu ngành, hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, tôi đề nghị các địa phương quan tâm, hỗ trợ tối đa cho DN để áp dụng công nghệ cao, qua đó hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng nông sản. Rất nhiều DN muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng còn đang lúng túng. Đề nghị các địa phương tháo gỡ cho DN, để DN tham gia vào thị trường giá trị nông sản”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Nhận định nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội vươn ra thế giới, song Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, thách thức của quá trình hội nhập cũng rất lớn. Ngoài việc gia tăng cạnh tranh và áp lực lên SX, làm thu hẹp một số lĩnh vực có sức cạnh tranh thấp, còn phát sinh nhiều tranh chấp thương mại khó giải quyết.

“Đây là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam do cơ quan quản lý Nhà nước và các DN chưa có nhận thức đầy đủ, chưa nhiều kinh nghiệm đối phó khi tham gia thị trường và giải quyết những tranh chấp này”, Bộ trưởng khẳng định.

Ngoài ra, chúng ta chậm điều chỉnh cơ cấu SX để khai thác tốt cơ hội thị trường và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng. Đơn cử như đối với thị trường trong nước gần 100 triệu dân, là thị trường lớn, nhưng cũng chưa được khai thác triệt để. “Muốn vươn ra nước ngoài, đầu tiên phải phục vụ tốt thị trường trong nước để giành lấy thị phần trước, đẩy nông sản ngoại nhập ra ngoài, đó cũng là hội nhập chứ là gì”, Bộ trưởng phân tích.

Theo Bộ trưởng, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng là cần thiết, là phù hợp với lợi ích lâu dài của đất nước. “Thực tế 30 năm đổi mới đã cho thấy điều đó là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta không thể xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, một đất nước giàu có, nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc nếu như không mở cửa và hội nhập”, Bộ trưởng nói.

Vấn đề mở cửa và hội nhập không phải bây giờ mới diễn ra, mà nó đã diễn ra nhiều năm rồi. Thế nhưng, tình hình đang trở nên rất khẩn trương với 7 hiệp định chúng ta mới ký kết. Có thể nói, nước đã đến chân rồi, thời gian không chờ đợi chúng ta mà chúng ta phải hết sức nỗ lực để thực hiện, phát huy những cơ hội và đối phó với thách thức.

Hội nhập là quá trình không thể đảo ngược. Để thực hiện nhiệm vụ đặt ra, phải thực hiện ở nhiều cấp độ, cả ở Trung ương và địa phương, cả các ngành, DN. Phải làm tốt tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Để làm được điều này, toàn ngành phấn đấu năm 2015 có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2014. Tăng cường tìm kiếm thị trường XK hàng nông sản.

“Tôi đề nghị năm 2015 toàn ngành nông nghiệp tập trung vào khâu giống với cây lúa. Tập trung giải pháp phát triển bền vững với cao su, cà phê, tăng mạnh sản lượng điều, tăng mạnh sản lượng ngô, sắn và một số loại trái cây có thị trường XK.

Về thủy sản, không thể phát triển ồ ạt mà tập trung vào giải pháp phát triển bền vững, quản lý tốt dịch bệnh. Ngành chăn nuôi chưa XK được nhiều thì phải tập trung tăng chất lượng, giảm giá thành để đối phó với cạnh tranh, trong đó tập trung 3 khâu: cải thiện chất lượng giống, giám sát chất lượng TĂCN, làm tốt công tác thú y", Bộ trưởng yêu cầu.

>>>TS Lê Đăng Doanh: Kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi nhưng mức độ hội nhập rất cao

Theo Văn Nguyễn

PV

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên