MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nhập sâu rộng, tại sao doanh nghiệp vẫn "cô đơn"?

Đó là trăn trở của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên cuối kỳ năm 2015.

Đến hẹn lại lên, diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên cuối kỳ năm 2015 đã chính thức khai mạc vào sáng nay (ngày 1/12/2015). Với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập”, diễn đàn lần này sẽ tập trung vào việc phân tích môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, năm 2015 có thể coi là năm hội nhập của nước ta khi Việt Nam đã kết thúc đàm phán hiệp định thế kỷ TPP, cũng như tham gia đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác.

“Năm 2016 là năm Việt Nam phải tăng tốc, chuẩn bị cho sân chơi hội nhập sắp tới” – TS Vũ Tiến Lộc cho biết.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, nội dung của diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam kỳ này sẽ tập trung vào các vấn đề chủ yếu như: cơ chế tham vấn và đối thoại chính sách giữa doanh nghiệp với Chính phủ; xây dựng cơ chế nộp thuế điện tử; phát triển doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Nhận định về bức tranh kinh tế Việt Nam thời gian qua, ông Lộc đánh giá, kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực.

“Để nền kinh tế phát triển mạnh, Việt Nam cần một lực lượng doanh nghiệp đủ lớn và có sức cạnh tranh. Song có một thực tế phải thừa nhận là khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam còn yếu kém, mặc dù hội nhập sâu rộng nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn cô đơn” – Chủ tịch VCCI trăn trở.

Đồng thời, ông Lộc cũng cho rằng, những yếu kém của khối doanh nghiệp tư nhân xuất phát từ yếu kém về công nghệ, quản trị và nguồn nhân lực. Hội nhập có thể mang đến sự đổi mới về công nghệ, nhưng quản trị và nguồn nhân lực sẽ phụ thuộc vào bản thân mỗi doanh nghiệp.

Do vậy, doanh nghiệp Việt cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các quy định về tiền lương tối thiểu, tăng lương cho người lao động theo đúng lộ trình.

“Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp lớn có thể ngồi cùng với doanh nghiệp vừa và nhỏ để cùng bàn về chuỗi giá trị, cũng như cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị” – TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Cùng chung quan điểm với TS Vũ Tiến Lộc, bà Virginia Foote – Đồng Chủ tịch Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, 2015 là năm tuyệt vời với Việt Nam khi hoàn tất đàm phán hiệp định TPP.

Theo bà Virginia Foote, hiện nội dung toàn văn TPP đã được công bố và các quốc gia thành viên TPP đều dành cho nhau những cam kết nhất định về lộ trình cắt giảm thuế quan đối với nhiều mặt hàng.

“TPP mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Nếu sớm thì khoảng tháng 5/2016, TPP sẽ chính thức được thông qua và có hiệu lực” - bà Virginia Foote chia sẻ.

Vì thế, bà Virginia Foote cũng nhấn mạnh, nội dung của diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần này sẽ tập trung vào những lĩnh vực mà Việt Nam cần cải thiện để thực hiện TPP, FTA Việt Nam – EU cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do khác.

“Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội mà hội nhập mang lại là nội dung chủ yếu của diễn đàn lần này” - bà Virginia Foote khẳng định.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, mặc dù kinh tế thế giới phục hồi chậm, song Việt Nam vẫn đạt mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015.

Hệ thống tài chính tín dụng được cải thiện, phát triển tương đối ổn định. Việt Nam đã thực hiện quyết liệt các giải pháp. Báo cáo môi trường kinh doanh 2016 của Ngân hàng thế giới (WB) đã đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 3 bậc so với trước đây. Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt bậc như tiếp cận điện tăng 22 bậc, tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc, khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc...

"Đây là sự nỗ lực của Chính phủ và Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh đột phá, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp, cải cách đầu tư công. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên