MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hôm nay, “phán quyết” dự án lọc hóa dầu 22 tỷ đô

Dự kiến ngày 30/9, Hội đồng thẩm định dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) - do Bộ Công Thương chủ trì sẽ họp để quyết định “số phận” dự án này.

Nếu được thông qua, dự án sẽ trình Thủ tướng xem xét phê duyệt và sẽ là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam (22 tỷ USD).

Lấy đâu 22 tỷ đô?

Sau khi nộp nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 5/2013, Chính phủ yêu cầu nhà đầu tư trình nghiên cứu khả thi chi tiết để xem xét (do dự án này nằm ngoài quy hoạch tổng thể phát triển ngành dầu khí Việt Nam tới năm 2020).

Ngày 8/9, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Ả-rập Saudi đã trình Bộ Công Thương báo cáo nghiên cứu khả thi dự án lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định).

Ban đầu, các nhà đầu tư tới từ Thái Lan và Ả-rập Saudi dự kiến xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư 28,7 tỷ USD, công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 30 triệu tấn dầu thô/năm), với tên gọi Tổ hợp lọc hóa dầu ASEAN (ASEAN Petrochemical Refinery Complex).

Tuy nhiên, khi chính thức trình nghiên cứu khả thi cho các bộ ngành Việt Nam, chủ đầu tư giảm vốn đăng ký còn 22 tỷ USD, công suất còn 400.000 thùng dầu thô/ngày (20 triệu tấn dầu thô/năm) và đổi tên thành dự án Victory Project.

Trong đó, Tập đoàn PTT và Saudi Aramco mỗi đơn vị góp 40% tổng vốn đầu tư, 20% còn lại nhà đầu tư đang hy vọng một tập đoàn nhà nước của Việt Nam có thể tham gia.

Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội nếu được Chính phủ chấp thuận, cuối năm 2016 chủ đầu tư sẽ hoàn thành việc đấu thầu theo hình thức EPC (thiết kế, cung ứng thiết bị, thi công và chuyển giao), đầu năm 2017 khởi công; năm 2021 có sản phẩm đầu tiên. Sau đó tùy thuộc vào hiệu quả chủ đầu tư mới quyết định nâng công suất nhà máy lên 30 triệu tấn dầu thô/năm hay không. Hiện, Bình Định đã chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch khoảng 2.000 ha.
 

Dự án Victory Project sẽ tích hợp đầy đủ lọc và hóa dầu (với hơn 20 sản phẩm khác nhau). Trong đó lọc dầu khoảng 12 triệu tấn dầu thô/năm để ra các sản phẩm xăng dầu, 8 triệu tấn dầu thô còn lại phục vụ cho hóa dầu (sản phẩm như hạt nhựa, nhựa đường, nguyên liệu xơ sợi, dung môi…). Nguyên liệu dầu thô (cả dầu chua và ngọt) của nhà máy sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ.

Một phần sản phẩm cung ứng trong nước, còn lại sẽ xuất khẩu ra các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… “Việt Nam là thị trường đang phát triển, nhiều tiềm năng cho cả hai dòng sản phẩm tinh chế và hóa dầu.

Dự án Victory Project sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước và cải thiện an ninh năng lượng cho Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm lọc và hóa dầu cung ứng đi các nước ASEAN”, thông báo của chủ đầu tư.

Ông Pailin Chuchottaworn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn PTT cho biết: Dự án Victory Project sẽ đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp nhựa cho sản xuất hàng dệt may, bao bì, hóa chất, linh kiện ô tô, điện tử và phát triển của ngành công nghiệp thiết bị ngoại vi ở Việt Nam (tương tự kinh nghiệm của Thái Lan trong 20 năm qua).

Chủ đầu tư tính toán, dự án này đi vào hoạt động sẽ đóng góp 4-5 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam mỗi năm (chiếm 3-4% GDP Việt Nam). 

Doanh nghiệp Thái đón đầu

Ngày 30/9, Hội đồng thẩm định dự án - với thành phần gồm 12 cơ quan ban ngành và tỉnh Bình Định (do Bộ Công Thương chủ trì), sẽ họp thẩm định báo cáo của chủ đầu tư. Sau khi họp thẩm định xong, hội đồng sẽ báo cáo Thủ tướng quyết định chủ trương và bổ sung quy hoạch.

Về lý do chọn Việt Nam, một lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, PTT giải thích rằng, tại Thái Lan nếu xây dựng nhà máy lọc hóa dầu phải đặt phía Nam (gần biển).

Tuy nhiên, khu vực này đã có một số nhà máy, lại thuộc vùng bất ổn, nên họ xác định đầu tư ra nước ngoài. Ban đầu, PTT đưa phương án Việt Nam hoặc Malaysia. Cuối cùng chọn Việt Nam do ngoài ưu đãi đầu tư và vị trí địa lý, vài năm trước PTT đã là đối tác của Petrolimex.

Trước đây, Petrolimex từng kêu gọi PTT đầu tư vào dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), nhưng đây đều là dự án quy mô nhỏ hoặc trung bình và đều do Petrolimex làm chủ đầu tư nên PTT từ chối tham gia.

Trong khi đó, tại Nhơn Hội, từ năm 2010, Cty TNHH Phát triển Năng lượng KST cùng Cty STFE (Thái Lan) đã nghiên cứu đầu tư dự án lọc hóa dầu và nhiệt điện.

Thời điểm đó, dự án chỉ có công suất khoảng 3 triệu tấn dầu thô/năm nên Chính phủ không đồng ý và yêu cầu phải từ 10 triệu tấn dầu thô/năm trở lên. Sau đó, Cty STFE đã kêu gọi Tập đoàn PTT tham gia.

Về năng lực nhà đầu tư, một lãnh đạo Ban quản lý Khu Kinh tế Nhơn Hội cho biết, cả PTT và Saudi Aramco đều có cổ phần của nhà nước. Riêng Tập đoàn Saudi Aramco mỗi năm khai thác 3,5 tỷ thùng dầu thô (chưa tính hoạt động lọc hóa dầu), có đội tàu vận chuyển dầu hùng mạnh nhất thế giới…

“Vấn đề của dự án hiện nay là chưa có đối tác nào của Việt Nam tham gia. Nếu không có đối tác Việt Nam, dự án triển khai tiếp hay không, phía họ (Tập đoàn PTT - PV) cũng chưa xác định trường hợp này”, vị lãnh đạo trên cho biết.

Hôm 25/9, để đón đầu dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, Cty TNHH Điện lực Ratchaburi Electricity Generating Limited (RATCH, Thái Lan) và Cty TNHH Phát triển Năng lượng KST (liên doanh Việt Nam - Thái Lan) đã làm việc với lãnh đạo và các sở ngành tỉnh Bình Định để tìm hiểu, xúc tiến đầu tư dự án nhiệt điện, xử lý chất thải và cấp thoát nước cung ứng cho nhà máy lọc hóa dầu này.

>>>Siêu dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội giảm vốn đầu tư còn 20 tỷ USD

                                                                                                                       Theo Lưu Hữu Việt

cucpth

Tiền Phong

Trở lên trên