Hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Theo kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam của Tổ chức xúc tiền thương mại Nhật Bản (JETRO), các doanh nghiệp Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
- 23-02-2016Tập đoàn năng lượng Nhật Bản sẽ mua 10% cổ phần Petrolimex
- 20-02-2016Tiền từ Nhật Bản sẽ đổ mạnh vào BĐS Việt Nam
- 25-01-2016Nhật Bản muốn đầu tư vào các cảng trọng điểm Việt Nam
- 21-01-2016Vì sao các công ty Nhật Bản ồ ạt chạy sang Việt Nam?
Nhiều kỳ vọng
Phát biểu tại buổi họp báo công bố kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương trong năm 2015 vào ngày 23-2 tại Hà Nội, ông Atsusuke Kawada, Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội cho biết, trong số 557 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam tham gia khảo sát, có 58,8% doanh nghiệp làm ăn có lãi, giảm 3,5% so với năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp báo lỗ chiếm 26,2%, tăng 1,3% so với năm 2014.
Mặc dù vậy, hơn 60% doanh nghiệp khẳng định vẫn tiếp tục có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là điểm đầu tư quan trọng. Lý do chính để mở rộng kinh doanh được 85% doanh nghiệp cho rằng để tăng doanh thu. Trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc chỉ đạt 38,1%, tại Thái Lan là 49%, tại Malaysia là 44,6%...
Đánh giá về lợi thế môi trường đầu tư, trong số 15 quốc gia cùng tham gia khảo sát, Việt Nam đứng thứ 3 về lợi thế chi phí nhân công giá rẻ, chi phí nhân công trong ngành công nghiệp chế tạo chưa bằng một nửa Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Hơn một nửa doanh nghiệp đánh giá cao về tình hình chính trị - xã hội ổn định, quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng.
Tuy nhiên, Việt Nam lại đứng chót bảng trong mức đánh giá về rào cản ngôn ngữ.
Bên cạnh những thuận lợi từ môi trường kinh doanh trong nước, ông Atsusuke Kawada cho hay, các doanh nghiệp Nhật Bản đều đặt nhiều kỳ vọng vào việc Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) đã được thành lập và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Theo đó, đối với AEC, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng lớn nhất vào việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, với hơn 64% doanh nghiệp. Tiếp đó, các doanh nghiệp kỳ vọng vào việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu, chính sách thuế, việc vận dụng, giải thích quy tắc nguồn gốc xuất xứ.
Đối với TPP, 66% doanh nghiệp kỳ vọng về thuận lợi hóa trong thương mại và thuế quan, tiếp đó là việc tiếp cận thị trường hàng hóa và quy tắc nguồn gốc xuất xứ
Cần thay đổi
Theo báo cáo của JETRO, trong năm 2015, Nhật Bản là quốc gia đứng 3 về tổng số vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam (1,842 tỷ USD) và đứng thứ 2 về số dự án đầu tư (456 dự án). Tuy nhiên, đầu tư từ Nhật Bản dù duy trì số lượng dự án nhiều nhưng lại giảm ở nguồn vốn, doanh nghiệp đầu tư mới từ Nhật Bản chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên quy mô dự án cũng nhỏ.
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, báo cáo kết quả khảo sát cho hay, trong 5 hạng mục rủi ro hàng đầu trong môi trường đầu tư thì năm 2015, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam tăng ở 4 hạng mục so với năm trước.
Theo đó, hơn 60% doanh nghiệp cho rằng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch, khiến Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 trên 15 quốc gia về vấn đề này.
Liên quan đến các khó khăn trong hoạt động kinh doanh, Việt Nam vẫn thuộc tỷ lệ cao khi có 80% doanh nghiệp đưa ra vấn đề về “lương cho nhân viên sở tại tăng”, và 65% doanh nghiệp cho biết gặp “khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại”.
Theo JETRO, trong năm 2015, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong khối chế tạo đạt 32,1%, giảm nhẹ 1,1% điểm so với năm 2014. Tỷ lệ này chỉ cao hơn Philippines (26,2%), nhưng thấp hơn so với Trung Quốc (65%), Thái Lan (56%), Indonesia (41%).
So sánh giữa khu vực miền Bắc và miền Nam thì tỷ lệ ở khu vực miền Nam (47,3%) cao hơn ở miền Bắc (32%). Tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nước ngoài khác không phải Việt Nam hay Nhật Bản vẫn còn cao.
Do đó, ông Atsusuke Kawada cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí, Việt Nam cần tăng cường thu mua từ các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cần có đối sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để doanh nghiệp Nhật Bản thấy được thay đổi, tăng cường đầu tư.
Báo Hải Quan