MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 70 tỷ đồng xây nhà máy xử lý chất thải rắn tại Thái Nguyên

Dự án nhằm nâng cao chất lượng xử lý chất thải rắn đúng tiêu chuẩn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho toàn thành phố Thái Nguyên - đô thị trung tâm vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Thái Nguyên đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài tại xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) với tổng vốn đầu tư gần 74 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp và các nguồn huy động khác.

Dự án nhằm nâng cao chất lượng xử lý chất thải rắn đúng tiêu chuẩn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho toàn thành phố Thái Nguyên - đô thị trung tâm vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài được xây dựng theo công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam do Công ty trách nhiệm hữu hạn Tràng An Xanh chuyển giao (công nghệ này đang được áp dụng tại các đô thị lớn thuộc các tỉnh, thành như Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Nam...) công suất 150 tấn/ngày đêm.

Trên diện tích hơn 3ha, Nhà máy xử lý chất thải rắng Đá Mài bao gồm các hạng mục nhà xưởng tiếp nhận phân loại rác, ủ giảm ẩm, hệ thống lò đốt, bể xử lý khói, xưởng lưu chứa chất tái chế, hồ xử lý nước thải, hồ điều hòa.

Ông Tăng Anh Trường, Giám đốc Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Thái Nguyên, cho biết việc xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài là hết sức cần thiết bởi hiện nay Khu xử lý chất thải Đá Mài tuy mới đưa vào hoạt động từ năm 2001 nhưng chỉ còn hoạt động được từ 3 đến 5 năm nữa nếu tiếp tục chỉ xử lý theo phương pháp chôn lấp rác như hiện nay.

Với tốc độ đô thị hóa của thành phố Thái Nguyên, mỗi ngày thải ra khoảng 300m3 rác sinh hoạt, việc chôn lấp rác vừa gây lãng phí đất vừa tiềm ẩn nhiều yếu tố gây ô nhiễm môi trường.

Qua khảo sát thực tế và nghiên cứu đánh giá của cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học, Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài đạt hiệu quả sử dụng đất cao nhất, phục vụ nhu cầu xử lý rác cho cư dân thành phố Thái Nguyên tối thiểu là 50 năm. Hầu hết các loại rác sau khi xử lý tại Nhà máy đều được phân loại, tái chế lên tới hơn 90%.

Theo Ban quản lý Dự án, Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng từ quý 3./.

Theo Hoàng Thảo Nguyên

TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên