MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Họp quốc hội] Nợ công là bài toán mà quốc gia nào cũng gặp phải

Phát biểu trong phiên họp Quốc hội chiều ngày 30/10, Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa thuộc Đoàn đại biểu Hải Phòng đã trình bày nhiều vấn đề về tái cơ cấu kinh tế, nợ công và phát triển kinh tế vùng.

Đại biểu Nghĩa cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới … nhưng tình hình KTXH nước ta trong thời gian qua đã đạt nhiều điểm sáng đáng tự hào. Tình hình KTXH năm 2014 có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng được đẩy mạnh, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, trật tự an toàn xã hội được giữ vững …

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế trong phát triển KTXH.  Nếu không được quan tâm chỉ đạo hiệu quả, những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và của đất nước.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá, tái cơ cấu đã được triển khai tích cực, đúng hướng bằng nhiều biện pháp cụ thể. Một số lĩnh vực đã có những kết quả bước đầu, song tái cơ cấu vẫn chậm và chưa có nhiều giải pháp mang tính đột phá. Tái cơ cấu chưa có chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, hiệu quả như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Do vậy, Chính phủ cần đẩy mạnh các đề án tái cơ cấu, với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Việc hoàn thiện tái cơ cấu Tập đoàn, Tổng công ty không chỉ có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước, mà trước hết là đối với các địa phương, nơi có hoạt động của Tập đoàn, tổng công ty trên địa bàn. Cụ thể, Đại biểu Nghĩa cho rằng, việc tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Tổng công ty hàng hải VN có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Thành phồ Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc Bộ.

Về vấn đề nợ công ở nước ta đang có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây, nguyên nhân chủ yếu do bội chi ngân sách nhà nước, tăng vay nợ, phát hành trái phiếu, đầu tư … Thực tế, nợ công là bài toán mà đa số các quốc gia đều phải trải qua trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kể cả các nước phát triển hiện nay vẫn đang phải đối mặt với vấn đề nợ công cao.

(Xem thêm: Thủ tướng: Nếu tính cả đảo nợ thì nợ công của Việt Nam là 26,2% GDP)

Đối với nước ta, trong điều kiện khó khăn kinh tế, mặc dù nguồn thu bị giảm sút nhưng vẫn phải giảm thu đối với các doanh nghiệp để hỗ trợ và đảm bảo sự ổn định của DN. Đồng thời phải dành một phần lớn ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội, muốn phát triển chúng ta phải vay nợ nước ngoài và phát hành trái phiếu, tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống cầu cảng, đường giao thông, bệnh viện. Nhiều dự án quan trọng đã được khởi công, khánh thành từ nguồn vốn vay và tạo ra những thay đổi to lớn, là động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Theo kiến nghị của Đại biểu Hải Phòng, trước tình trạng nợ công hiện nay, đề nghị Chính phủ cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được cụ thể hóa tại Nghị định 958 ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược nợ công và nợ nước ngoài giai đoạn 2011-2020.

Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc cân đối ngân sách, cơ cấu lại nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước để từng bước giảm bội chi ngân sách so với GDP. Thực hiện nghiêm quản lý tài khóa, tránh tình trạng thâm hụt ngân sách gây ảnh hưởng bất lợi đến nợ công; điều hành chặt chẽ ngân sách, phấn đấu tăng thu để tăng chi trả nợ, giám sát chặt chẽ các khoản vay để cho vay lại, các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp; giải quyết triệt để tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí và tham nhũng …

Về tăng cường liên kết các vùng lãnh thổ để phát triển, đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Những năm vừa qua, giải pháp này đã được thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, hiệu quả liên kết các vùng lãnh thổ chưa cao, chưa có những chính sách hợp lý tạo điều kiện cho các địa phương trọng điểm làm đầu tàu kinh tế. Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị Chính phủ cần tăng cường tính hiệu quả trong liên kết vùng, điều chỉnh chính sách liên kết vùng nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các địa phương.

Một trong những mục đích của liên kết vùng là hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, tạo đầu tàu thúc đẩy các địa phương khác cùng phát triển. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa đối với các địa phương được xác định là vùng kinh tế trọng điểm để các địa phương này bứt phá, có điều kiện thúc đẩy cả vùng cùng phát triển.

Cụ thể, đối với TP Hải Phòng, được xác định là một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đề nghị Chính phủ, Quốc hội nhân việc sửa đổi ngân sách nhà nước, cho phép được trích một tỷ lệ từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn để đầu tư phát triển. Đó chính là động lực, là điều kiện để nuôi dưỡng nguồn thu xuất nhập khẩu đạt hiệu quả cao hơn.

[Họp Quốc hội] Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đã đến lúc Việt Nam phải tăng trưởng cao trở lại!

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên