[Họp Quốc hội] “Phải xây dựng thương hiệu cho lao động người Việt”
"Một thời trên tôm dưới cá, làm mà chơi đã qua rồi”
Phiên thảo luận ngày 30/10/2014 của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII tập trung vào các vấn đề kinh tế xã hội năm 2014 . Theo đại biểu Nguyễn Hữu Đức (tỉnh Đồng Tháp), nền kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn cần có cái nhìn thẳng thắn và xác đáng hơn vào những khó khăn hiện nay.
Một vấn đề khá nổi cộm của Việt Nam cũng như tại Đồng bằng Sông Cửu Long, theo đại biểu này, là đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với điều kiện thiên nhiên ưu đãi và nguồn lao động rất dồi dào nhưng chỉ số lao động như trình độ học vấn, kỷ luật lao động, năng suất lao động, thu nhập …. còn thấp so với các vùng khác.
Theo ông Nguyễn Hữu Đức, mặc dù trong những năm qua, Trung ương và địa phương đã có nhiều giải pháp chỉ đạo nhưng chất lượng lao động vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vì sao? Vì điều kiện tự nhiên trù phú, người dân vẫn giữ tâm lý ỷ lại, dựa vào lợi thế thiên nhiên để làm ăn.
“Nhưng một thời trên tôm dưới cá, làm mà chơi đã qua rồi” – đại biểu nhấn mạnh.
Môi trường sống và làm ăn ngày càng khắc nghiệt, lao động phổ thông dựa vào sức người không còn phù hợp. Khi nông nghiệp đã được cơ giới hóa, người lao động phải có kỹ năng, tay nghề để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Việc học nghề, đào tạo nghề ngày càng cấp thiết.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu ý kiến, vùng đồng bằng Sông Cửu Long có những vấn đề cần phải xem xét kỹ. Đó là chính sách đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu. Chất lượng đào tạo thấp, không cung cấp được nguồn nhân sự cho doanh nghiệp, người lao động chưa tham gia nhiều trong khi sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều và gia tăng.
“Đây là bài học tăng trưởng nóng về đào tạo của ngành giáo dục.” – ông Đức phát biểu.
Trong chủ trương xuất khẩu lao động cũng vậy. Đây vốn là giải pháp đem lại nguồn thu nhập khá và giúp người lao động tiếp cận công nghệ cao nhưng trong nhiều năm qua xuất khẩu lao động tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt chỉ tiêu rất thấp. Ngoài vấn đề như khủng hoảng kinh tế, người lao động gặp nhiều vấn đề trở ngại do “việc tăng trưởng nóng” chỉ xem trọng số lượng mà xem nhẹ chất lượng.
“Có một nghịch lý là trong khi nhà nước tạo điều kiện cho người lao động trong vùng tham gia xuất khẩu lao động nhưng hiệu quả thấp thì tình trạng phụ nữ trong vùng lấy chồng nước ngoài lại tăng ngày càng cao.” – đại biểu tình Đồng Tháp cho biết.
Theo ông Đức, nguyên nhân có nhiều nhưng có nguyên nhân sâu xa là do tính cách của người miền Tây Nam Bộ. Vì vậy cần để ý yếu tố vùng miền để có chính sách đào tạo phù hợp và tiến tới đồng bộ một tiêu chuẩn về người lao động Việt Nam. Đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu người lao động Việt Nam cần cù sáng tạo, có chuyên môn kỹ thuật, có trách nhiệm trên thị trường thế giới phải là mục tieu chiến lược trong đào tạo nhân lực cho đất nước.
Mai Linh