HSC: TPP sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào Việt Nam
Trong một báo cáo mới công bố, Công ty cổ phần chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) nhận định, TPP đạt được thỏa thuận nguyên tắc sẽ là nhân tố làm thay đổi cục diện của Việt Nam trong thập kỷ tới.
- 07-10-2015Tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải cam kết không phá giá tiền đồng?
- 07-10-2015Nhiều ý kiến trái chiều hậu đàm phán TPP
- 07-10-2015Đùi gà Mỹ và mặt trái của TPP
Cụ thể, HSC cho rằng, TPP sẽ chưa có hiệu lực ít nhất là trước 6 tháng cuối năm 2016 và có thể sẽ còn muộn hơn. Theo đó, tác động thực sự từ việc giảm thuế hoặc tăng hạn ngạch sẽ cần có thời gian.
Trên cơ sở đó, HSC dự báo, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng khoảng 1% mỗi năm với tác động trực tiếp kể từ năm 2017 trở đi. Trước đó, World Bank ước tính TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8-10% cho đến 2030.
Bên cạnh đó, HSC cũng cho rằng, những quy định về nguyên tắc xuất xứ sẽ buộc Việt Nam phải tăng tỷ lệ nguyên liệu đầu vào nội địa để được hưởng ưu đãi giảm thuế. Điều này có thể sẽ tạo một số khó khăn nhưng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển theo chiều sâu của ngành sản xuất Việt Nam thông qua tạo ra các chuỗi cung cấp tổng hợp ngành dọc ở nhiều ngành.
“Với tư cách là quốc gia kém phát triển nhất trong một hiệp định mà phần lớn là các nước phát triển bao gồm 2 trong số đối tác lớn nhất của Việt Nam và gần như không bao gồm các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, Việt Nam sẽ tăng tốc đáng kể trong thập kỷ tới nhờ TPP” – báo cáo nhận định.
Theo HSC, TPP sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tăng khi các nước Bắc Á và ASEAN có thể xem xét chuyển một phần đáng kể chuỗi cung ứng ngành dọc ở một số ngành nhất định để hưởng lợi từ việc giảm thuế và tiếp cận thị trường tốt hơn.
Nhờ TPP, tốc độ cải cách sẽ được đẩy nhanh, cam kết nâng cao mức độ tiếp cận thị trường đối với việc đầu tư vào chi tiêu chính phủ và các ngành dịch vụ. Tốc độ cổ phần hóa cũng sẽ được đẩy nhanh hơn và tỷ trọng của DNNN sẽ giảm. Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng cũng sẽ được mở rộng sau khi có quy định mới về hình thức đối tác công tư PPP.
Ngoài ra, việc có thêm các cơ sở sản xuất tại Việt Nam sẽ làm tăng hàng hóa giao thương của Việt Nam, theo đó tăng nhập khẩu cũng như xuất khẩu.
HSC ước tính có khoảng 18.000-20.000 sản phẩm sẽ được giảm thuế trong thập kỷ tới dưới tác động trực tiếp của TPP. Một số sản phẩm trong số này sẽ được giảm thuế ngay sau khi TPP có hiệu lực, một số khác sẽ được giảm thuế theo lộ trình trên cơ sở đổi lại những cam kết như tuân thủ quy tắc nước xuất xứ hoặc tiếp cận thị trường nhiều hơn dưới hình thức tăng hạn ngạch.
Đối với ngành dệt may, tại thị trường Mỹ, theo VITAS và AmCham, thuế của Mỹ đánh vào hàng dệt may của Việt Nam là từ 5-25%; thuế suất bình quân là 17%. Về phía Nhật Bản, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) vào 2010. Do đó thuế đối với hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Nhật Bản đã được đưa về 0% từ trước.
Đứng từ góc độ của Việt Nam, một điểm mấu chốt khác là quy định xuất xứ sẽ buộc Việt Nam phải dùng vải và sợi từ các nước thuộc TPP. Điều này nhằm phát huy các chuỗi giá trị và đầu tư trong nội bộ khối TPP. Quy định này cũng được biết đến là quy định “từ sợi trở đi”.
TPP đưa ra một hệ thống các quy định về xuất xứ để xác định một mặt hàng có đảm bảo quy định xuất xứ và đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế theo TPP hay không. Những quy định này sẽ căn cứ theo các sản phẩm cụ thể.
Thủy sản nhận được ít lợi ích từ TPP hơn sự mong đợi của thị trường. Từ trước đến nay cá tra không chịu thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ nên không có tác động nào. Cá tra cũng không xuất nhiều sang Nhật Bản nên việc giảm thuế cũng không có mấy tác dụng. Tuy nhiên thuế nhập khẩu sẽ được giảm ở các thị trường nhỏ hơn như Australia, Singapore và Mexico…
Đối với ngành hạ tầng và logistics, việc tăng vốn đầu tư trực tiếp từ các nhà sản xuất trong khu vực sẽ làm tăng nhu cầu về cơ sở hạ tầng chẳng hạn như dịch vụ tiện ích; nước; đường xá… Cơ chế PPP mới đã tạo ra làn sóng đầu tư tư nhân vào các dự án BOT và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong trung hạn.
Bên cạnh đó, nhu cầu đối với cảng và khu công nghiệp sẽ tăng lên do các chuỗi giá trị chuyển sang Việt Nam làm tăng lưu lượng hàng hóa. Xu hướng này có thể mất vài năm để tạo đà nhưng sẽ duy trì trong một thời gian dài.
Ngoài ra, HSC cho rằng, ngành dược phẩm sẽ chịu ảnh hưởng nhẹ nhưng tiêu cực trong dài hạn. Dược phẩm sẽ giảm thuế từ mức hiện tại khoảng 2,5% về 0%. Rào cản thuế này là thấp nên việc bỏ thuế cũng không ảnh hưởng nhiều.