MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kê khai tài sản rồi để đấy thì không giải quyết được gì

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư 08 “Hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập”. Theo đó, tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên phải kê khai, kể cả cây cảnh.

 Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Cao Sỹ Kiêm, việc này không đơn giản thế. 

Ông có nhận xét gì về thông tư này của Thanh tra Chính phủ?

Thông tư đưa ra khá chi tiết những tài sản phải kê khai, đặc biệt là động sản như là cổ phiếu, bàn ghế, cây cảnh… Đây không chỉ là ý tưởng, mà là mong muốn sẽ quản được, kiểm soát được tất cả những thu nhập của nhóm đối tượng có nguy cơ cao về tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ... 

Nhưng sự thực, ý tưởng ấy có thành hiện thực hay không thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào cách làm, cách triển khai, cách theo dõi, thống kê rồi sau đó xử lý như thế nào. Chứ cứ kê ra để đấy thì cũng không giải quyết được gì. 

Nhưng kê ra, để rồi sau này mình kiểm soát, mình xử lý, mình giải quyết thì theo tôi, với thực trạng hiện nay, cách làm hiện nay và lực lượng hiện nay thì khó thực hiện được.

Thiếu khả thi vì sao lại khó khả thi, thưa ông?

Trước đây, vấn đề kê khai tài sản đã được chúng ta đưa ra rồi và ở phạm vi hẹp, nội dung hẹp, đối tượng kê khai cũng hẹp, nhưng cũng chưa làm được bao nhiêu, chưa có kết quả, chuyển biến gì. Nay lại đưa ra rộng hơn, chi tiết hơn nhưng những giải pháp để thực hiện nó, những điều kiện để thực hiện nó thì chưa cho thấy tính thuyết phục để mà theo dõi, kiểm soát, nắm được thực trạng và xử lý.
"Ý tưởng ấy có thành hiện thực hay không thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào cách làm, cách triển khai, cách theo dõi, thống kê rồi sau đó xử lý như thế nào. Chứ cứ kê ra để đấy thì cũng không giải quyết được gì".
TS. Cao Sỹ Kiêm

Đặt vấn đề xử lý thì bây giờ mình phải thống kê thu nhập, phải phân tích nguồn gốc, nguyên nhân thu nhập. 

Trong khi, tất cả các khoản thu nhập hiện nay, cái cách quản lý của chúng ta, nó không có cơ sở pháp lý và chặt chẽ. Ví dụ, bây giờ bảo là phải hạch toán, kiểm soát các khoản thu nhập ngoài lương, nhưng những thứ kiểu như đi dự hội nghị, viết báo, các khoản thưởng…, chúng ta có kiểm soát được đâu, có chế tài gì kiểm soát đâu. 

Hay giờ nói đến cây cảnh, bàn ghế (cũng thuộc diện phải kê khai theo Thông tư 08 - PV), người ta có thể cho, tặng, rất nhiều hình thức mà mình không chi tiết nó ra, không có một giải pháp để thu thập, thu thập xong giải quyết thế nào. Cứ đặt ra, một thời gian không làm được hoặc làm không đến nơi đến chốn thì cái đó nó lại là hình thức, thậm chí phản tác dụng.

Và điều đó rất dễ dẫn đến khả năng, cái không đáng phải kê khai thì lại kê khai và ngược lại?

Đấy là vấn đề khả năng kiểm soát, khả năng nắm bắt thực tiễn. Cái to nhất của người ta thì người ta không kê khai và mình cũng không có cách nào để buộc họ phải kê khai. Ví dụ, những tài sản như cổ phiếu, cổ phần, họ cho con cháu hoặc đứng tên người khác hoặc được hạch toán lệnh lạc đi. 

Anh không tìm được nguồn gốc, không nắm được thực tế, do cách kiểm soát, hạch toán của mình không được chặt chẽ. Giờ bảo là kiểm soát thu nhập ngoài lương thì kiểm soát thế nào được. 

Ngay cả thuế thu nhập cá nhân, thực tế có những anh thu nhập rất cao, gấp cả mấy chục lần lương, chẳng hạn như đất cát, tài sản, cao su, cà phê hàng mấy chục ha, hàng trăm ha như thế, của họ đấy nhưng không phải là tên họ. Thu nhập một tháng có khi cả mấy tỷ. Nhưng mà có anh ăn lương trên sổ sách, theo dõi được thì lại “đánh” cái anh đấy. Nên vấn đề là làm thế nào để kiểm soát được thực tại, đánh giá về thực chất và muốn làm được cái đó phải bằng cơ chế, chính sách, luật pháp. Chứ còn nói, hô tự nguyện thì chỉ hình thức thôi.

Căn cứ nàotính giá trị cây cảnhÔng có cho rằng, Thông tư 08 của Thanh tra Chính phủ chỉ đưa ra cho có và chẳng đi đến đâu?

Đưa ra cái này (Thông tư 08 - PV) và nói một cách “lý thuyết”, tức là nếu có chế tài, biện pháp, được phổ biến cặn kẽ để đảm bảo những điều kiện thực hiện thì có thể tin tưởng được hiệu quả. Nhưng lại cứ bảo, đã có một cái quy định như thế rồi thì mọi việc sẽ đâu vào đấy, đi vào khuôn phép, cứ thế “đốc” ra mà xử lý thì không có đâu.

Chẳng hạn như quy định tài sản quy đổi trên 50 triệu đồng thì phải kê khai, trong đó có cây cảnh, bàn ghê. Ừ thì cái bàn ghế có thể có hóa đơn, nhưng với cây cảnh thì lại khác. Cái cây kia, anh ưng, anh muốn mua thì anh trả 1 tỷ. 

Nhưng với một ông khác lại bảo, tôi chỉ trả 300.000 thôi vì với tôi nó chẳng có giá trị gì, thì lúc đó phải lấy số nào. Người đã thích, tìm đến mua thì cái cây cảnh đó có thể vô giá, nhưng với một người đã không có nhu cầu thì vứt đi người ta cũng không thèm đoái hoài đến. Vậy lấy gì để làm tham chiếu phục vụ việc kê khai.

Trong Thông tư 08 đặt ra việc công khai tài sản của thủ trưởng đơn vị, liệu có vị nào mạnh dạn làm điều đó?

Công khai nhưng vấn đề là ai công khai. Ông ấy, vị thủ trưởng ấy tự công khai hay cấp trên tự công khai? Và nếu cấp trên công khai thì cấp trên có đánh giá được hết không, có nắm được cụ thể, có kiểm soát chặt chẽ không. Nói gì thì nói, tất cả phải quy về điều kiện thực hiện, đi vào những yếu tố, giải pháp cụ thể. 

Chứ còn bây giờ, ý tưởng thì ai cũng muốn làm tốt, định hướng đưa ra như vậy cũng chặt chẽ, nhiều người nhìn vào có thể cho rằng, ừ như thế là tiến bộ. Nhưng vấn đề là phải đảm bảo cái cuối cùng, kết quả thực hiện và khả năng thực hiện mới có thể coi chính sách đó đúng và phát huy tác dụng.

Theo tôi, mỗi định hướng mình đưa ra thì phải có giải pháp, lộ trình. Thấy khả năng thực thi được thì ta làm, sau đó rút kinh nghiệm rồi nhân rộng, tạo lan tỏa ra. Còn hơn là việc nói rất to nhưng làm lại rất nhỏ và kết quả là phản tác dụng ngay.

Cảm ơn ông!

Theo Minh Thành

cucpth

Báo Giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên