MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kéo dài tuổi hưu: Tránh nguy cơ “tồn kho” nguồn nhân lực

Đó là chia sẻ của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. Theo bà Hải, trước mắt có thể kéo dài thêm nửa nhiệm kỳ nữa, tức là kéo dài tuổi nghỉ hưu từ 2 đến 2,5 năm.

PV: Để đối phó với nguy cơ vỡ Quỹ lương hưu, Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đề xuất hai phương án tăng tuổi hưu cùng hai phương án về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, phương án 1 là tăng ngay thêm 5 năm làm việc. Phương án 2, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Việc tăng tuổi hưu vào thời điểm này có phải là giải pháp hợp lý, thưa bà?


Bà NGUYỄN THANH HẢI:
 Việc nâng tuổi nghỉ hưu có 2 yếu tố, là độ tuổi nghỉ hưu và độ tuổi nghỉ hưu với nữ giới. Về độ tuổi nghỉ hưu nói chung có thể căn cứ vào một số yếu tố, đặc biệt là quỹ bảo hiểm xã hội và theo tuổi thọ bình quân của người dân đã tăng đáng kể. Riêng đối với việc nâng độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới nhiều người cho rằng, phụ nữ làm việc ở khu vực lao động nặng nhọc, độc hại thì nên cho nghỉ sớm. Ngược lại có những người phải học tập, đào tạo rất lâu, có năng lực, tay nghề, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn và kinh nghiệm quản lý thì nên kéo dài thời gian làm việc. Nhưng khi bàn về vấn đề này, nhiều người thường gộp hai đối tượng này làm một.

Vậy có nên quy định về độ tuổi nghỉ hưu với phụ nữ trên cơ sở một số nhóm đối tượng đặc thù?

Theo tôi, trong thời gian tới nên quy định cụ thể về độ tuổi nghỉ hưu với phụ nữ cho các đối tượng khác nhau, chia ra một số  nhóm đối tượng đặc thù làm sao cho phù hợp với nhu cầu của xã hội và quyền được làm việc, quyền được cống hiến của lao động nữ cũng như quyền được nghỉ ngơi sớm đối với lao động làm việc độc hại, nặng nhọc. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, nếu để phụ nữ được đào tạo bài bản, có kiến thức khoa học chuyên sâu hoặc đã giữ cương vị quản lý mà lại nghỉ hưu sớm thì dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội vì xã hội đã phải bỏ ra khá nhiều chi phí để đào tạo họ mà thời gian cống hiến quá ngắn.

Còn đối với nam giới đang giữ cương vị lãnh đạo thì nên như thế nào, thưa bà?

Cũng cần phải cân nhắc và có thể kéo dài, nhưng bao lâu để khỏi ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm, đến cơ hội việc làm, cơ hội cống hiến cho những người trẻ. Tôi cho rằng cần phải điều tra, lấy ý kiến cả đối tượng này và lớp người trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đối với việc mở rông độ tuổi nghỉ hưu với nam giới giữ cương vị lãnh đạo. Xu hướng của thế giới cũng nên mở rộng độ tuổi nghỉ hưu nói chung vì quá trình đào tạo dài, mất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc của xã hội lẫn người ta mà sử dụng quá ngắn thì là sự lãng phí chung của cả xã hội. 

Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu kéo tuổi nghỉ hưu thì sẽ mất cơ hội cho lớp trẻ?

Theo tôi tính toán, những người đang lao động đến độ tuổi 60, nếu kéo dài ra thì tại thời điểm đầu có thể dẫn tới sự "dồn toa”, nhưng 1-2 năm sau thì sự dồn toa đó sẽ không còn. Đúng là trong thời buổi công nghệ rất phát triển, ở góc độ nào đó, những người ở độ tuổi 50-60 đúng là có phần hạn chế về công nghệ thông tin, hạn chế về mặt ngoại ngữ nhưng cái đáng quý nhất ngoài trình độ, năng lực chuyên môn họ còn có bề dày kinh nghiệm khoa học, kinh nghiệm quản lý và sự uy tín mà lớp trẻ chưa thể so sánh được. 

Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt, trong lúc này, khi mà kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ mất việc, thiếu việc làm cao mà kéo dài ngay dễ dẫn đến sự so sánh, vì tồn đọng, tồn kho nguồn nhân lực. Khó khăn chỉ là tạm thời, trước mắt, quan trọng là phải tính đến tương lai xa hơn để kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Anh Vũ – Hoàng Mai

thunm

Đại đoàn kết

Trở lên trên