Khai thác bô xít để phát triển Tây Nguyên?
Nói đến khai thác khoáng sản là phải nói khai thác như thế nào, chứ không phải nói là: Thôi đừng khai thác nữa.
Đây là ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, đóng góp cho Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ phát triển Tây Nguyên, đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 3 - một chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước, triển khai từ năm 2011.
Theo ôngNguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nguồn lực Nhà nước đầu tư cho Tây Nguyên hiện nay chỉ bằng 0,83% so với cả nước, nội lực của các tỉnh chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên phát triển nhanh và bền vững là nhiệm vụ rất khó khăn.
Nghịch lý là khoáng sản, nguồn tài nguyên rất lớn của khu vực, lại không thể khai thác với quy mô hợp lý để phục vụ phát triển, do những lo ngại về nguy cơ xảy ra đối với xã hội và môi trường.
Ông Yên cho rằng, cần nhận thức đúng, mạnh dạn khai thác nguồn khoáng sản sẵn có của Tây Nguyên, tránh lãng phí nguồn lực cho phát triển.
Ông Yên nói: "Bây giờ, chỗ nào có bô xít là không trồng được một cây gì cả, nhưng bảo khai thác bô xít để tạo ra một ngành công nghiệp kim loại màu cho cả nước thì bao nhiêu nhà khoa học phản đối, cứ sợ nó đổ bùn đỏ. Mà hồ bùn đỏ ở đây khác với ở Hungary. Hồ ở Tây Nguyên nằm giữa thung lũng, xung quanh toàn là núi. Chỉ có khiêng núi đi chỗ khác thì bùn mới chảy ra ngoài.
Mà bô xít nếu không khai thác, để dành 100 năm sau, nếu lỡ lúc đó người ta không sử dụng nhôm nữa thì coi như bô xít vứt đi chứ gì? Cho nên, nói đến vấn đề khai thác khoáng sản là phải nói khai thác như thế nào, chứ không phải nói là: Thôi đừng khai thác nữa”./.
Theo PV