MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi lạm phát - tăng trưởng chuyển động ngược

Dù tăng trưởng có cao hơn, mạnh hơn nhưng vẫn theo mô hình cũ thì không mang lại nhiều ý nghĩa

Đầu tháng này, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 sẽ đạt 6,5% trong khi lạm phát tổng thể chỉ dưới 3%. Đây là những con số không gây bất ngờ vì thời gian gần đây, cũng có nhiều con số dự báo khá tương đồng.

Đơn cử theo báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 7, Ngân hàng ANZ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay ở mức 6,5% trong khi lạm phát thậm chí còn ở mức thấp hơn, chỉ 2%. Xu hướng những dự báo nhận định tăng trưởng GDP sẽ cao hơn, trong khi lạm phát thấp hơn so với mục tiêu mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra từ đầu năm như trên xuất hiện ngày càng nhiều. Và điều này càng có căn cứ vì diễn biến kinh tế 6 tháng đầu năm đang hoàn toàn củng cố cho những dự báo này.

Số liệu lạm phát tháng 7 được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, ghi nhận mức tăng 0,68% so với cuối năm 2014, tức trung bình mỗi tháng lạm phát chỉ tăng 0,1%. Thử hình dung các tháng còn lại của năm nay, lạm phát sẽ có xu hướng tăng mạnh hơn, lên mức gấp đôi so với các tháng trước đó thì lạm phát cả năm đâu đó chỉ dưới mức 2%.

Như vậy cho đến lúc này có thể tạm khẳng định, đang xuất hiện một xu thế ngược giữa tăng trưởng và lạm phát. Đây thực sự là điều ít thấy trong lịch sử kinh tế Việt Nam khi nhìn lại từ thời kỳ mở cửa đến nay. Bởi thông thường trong những năm trước đây, tăng trưởng cao thường đi kèm lạm phát cao.

Như vậy, trong khi tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu luôn là điều đáng lo ngại trong những năm qua thì chỉ đến thời điểm giữa năm nay, nỗi lo này đã được giải tỏa. Bên cạnh đó, mặc dù mục tiêu lạm phát đặt ra cho năm nay giữ ở mức quanh 5% - mức được xem là “hoài bão lớn” của những năm trước đây – thì chúng ta cũng gần như chắc chắn đạt được.

Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta đã khá yên tâm về diễn biến tăng trưởng – lạm phát trong năm nay thì công tác chuẩn bị lập kế hoạch và xác định các mục tiêu cho năm sau đã bắt đầu cần đặt ra cùng câu hỏi liệu chúng ta có phải đánh đổi, phải trả một giá nào đấy như là hệ quả trong tương lai?

Theo bà Nguyễn ThịTuệ Anh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), xu hướng tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam có dấu hiệu giảm. Bởi tăng trưởng thấp trong những năm gần đây khiến tốc độ tích lũy tài sản của nền kinh tế cũng giảm xuống. Trong khi đó, tăng trưởng tiềm năng rất phụ thuộc vào tốc độ tích lũy tài sản… “Nếu Việt Nam không giải quyết được những vấn đề về nguồn lực, năng suất lao động và công nghệ này thì tốc độ tăng trưởng tiềm năng chắc chắn sẽ giảm xuống” – bà Tuệ Anh nhận định.

Nhìn ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng, nếu duy trì được xu hướng tăng trưởng kinh tế dần cao lên, trong khi luôn kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô thì lạm phát thấp không phải là điều đáng lo ngại. Việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô xem ra sẽ làm được bởi Chính phủ và các bộ, ngành trong các hoạt động chỉ đạo và triển khai của mình luôn nhấn mạnh điều này.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là cùng với thực hiện quyết liệt tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì ổn định kinh tế vĩ mô cũng cần được nhìn nhận dưới lăng kính chuyển động đó. Bởi đơn cử, khi vấn đề tái cơ cấu làm quyết liệt (theo nghĩa những lợi ích nhóm, những vấn đề gốc rễ sẽ được giải quyết một cách căn bản) thì liệu sẽ ảnh hưởng thế nào đến ổn định kinh tế vĩ mô?

Trong khi đó với lạm phát, một trong những yếu tố khá quan trọng là giá cả hàng hóa trên toàn cầu, đặc biệt là giá dầu mỏ trong xu hướng giảm nên đã hỗ trợ khá nhiều. Nhưng giả thiết yếu tố này có diễn biến ngược lại trong những tháng tới (giá tăng lên) thì những hỗ trợ gián tiếp như vậy cho lạm phát ổn định và giảm xuống sẽ không còn, thậm chí lại chuyển sang tác động tiêu cực.

Cũng cần nhớ rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho lạm phát được xem là “căn bệnh kinh niên” của Việt Nam những năm trước đây là tâm lý “té nước theo mưa”. Theo đó, mỗi khi xăng tăng, điện tăng… thì ắt kéo theo rau tăng, thịt tăng. Tâm lý này dường như không còn trong thời gian gần đây, nhưng cũng chưa ai dám khẳng định đã thực sự được loại bỏ.

Hơn nữa, trong vấn đề lạm phát thấp hiện nay, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia lại tỏ ra lo ngại về sự ổn định này. “Một nền kinh tế có tăng trưởng trên 6%, lạm phát lõi vẫn tăng 2,7%, 6 tháng vừa qua trong khi lạm phát chung chỉ 0,68% thì chỗ này đáng phân vân”, ông Ân nói.

TS. Ân cho biết, theo đánh giá thì cung tăng chậm hơn cầu. Nhưng cung trong thực tế cuộc sống tăng một cách đột biến và không quản lý được, làm cho CPI giảm. Đơn cử như hoa quả tràn trề hàng nhập từ Trung Quốc; thịt bò 64% nhập của Mỹ, hay thịt gà từ Úc và Hàn Quốc… Trong khi tất cả những thứ đó Việt Nam có được, sản xuất được. Đấy là chưa kể những hàng giả, hàng nhái tràn ngập. Điều này làm cho cung tăng không kiểm soát được, làm CPI giảm.

“Cái này một mặt người tiêu dùng có lợi, nhưng lại làm cho nền kinh tế có vấn đề. DN trong nước khó khăn vì không bán được hàng vì giá thấp, trong khi chi phí điện, nước… tăng. Đây là vấn đề cần phân tích kỹ, vì nó liên quan đến cả một hệ thống kinh tế ngầm không quản lý được” – TS. Ân phân tích.

Một điểm nữa mà chuyên gia này nêu ra về kinh tế năm nay là dù tăng trưởng phục hồi nhưng không thể không nói đến tình hình nông nghiệp, nông thôn đang rất khó khăn. “Hiện nay các mặt hàng nông, thủy sản chiến lược đều tắc, xuất khẩu giảm sút cả về số lượng và giá trị. Điều này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô, đời sống người dân. Hơn nữa, nó cho thấy dù chúng ta đưa nhiều gói kích cầu cho nông nghiệp nhưng chưa đi vào cuộc sống, mô hình tổ chức nông nghiệp không được nhân rộng. Năm nay không thể không để ý đến vấn đề này” – ông Ân cảnh báo.

Do đó, một điểm quan trọng hơn, là dù tăng trưởng có thể cải thiện hơn nhưng chúng ta không nên tập trung vào việc phải đẩy tăng trưởng cao lên quá mạnh trong khi chưa thực sự chuyển đổi được sang mô hình tăng trưởng mới mang tính bền vững hơn.

Bởi theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, chúng ta phải chấp nhận tăng trưởng thấp đi trong giai đoạn tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay. Vì dù tăng trưởng có cao mạnh hơn nhưng vẫn theo mô hình cũ thì không mang lại nhiều ý nghĩa. Như Trung Quốc họ cũng nhận thức rất rõ điều này nên đã chấp nhận giảm tăng trưởng kinh tế xuống mức quanh 7% để tiến hành những cải cách và đổi mới phương thức tăng trưởng.

Theo nhiều chuyên gia, việc duy trì được tăng trưởng khoảng 6-6,5% và lạm phát dưới mức 5% trong giai đoạn hiện nay là phù hợp.

Theo Hồng Quân

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên