MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khiếu kiện giảm do... kinh tế khó khăn?

Không phải số ít mà nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn về nguyên nhân thực của việc chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2013.

Căn cứ số liệu tính từ 15/8/2012 đến 15/8/2013, Chính phủ đánh giá tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2013 có xu hướng giảm so với năm 2012.

Cụ thể, các cơ quan hành chính nhà nước tiếp 377.514 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, có 4.223 lượt đoàn đông người. So với năm 2012 tăng 8,1% lượt người; giảm 11,5% đoàn đông người. 228.152 đơn thư các loại, trong đó, có 104.708 đơn khiếu nại, tố cáo đã được tiếp nhận.

Mặc dù số lượt người tăng, nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo đã giảm 30,42%, 228.152 đơn thư các loại, trong đó, có 104.708 đơn khiếu nại, tố cáo nội dung khiếu nại trong lĩnh vực đất đai giảm khoảng 6%, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Đáng chú ý là, có khoảng 61,9% trường hợp khiếu nại sai và 49,6% tố cáo sai.

Về kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 41.984/49.112 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,49% (tăng 1,19% so với năm 2012).

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 226,1 tỷ đồng, 40,3 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 115,6 tỷ đồng, 70 ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 3.766 người; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 545 (đã xử lý 295 người), chuyển cơ quan điều tra 55 vụ, 88 người.

Đánh giá chung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2013, Chính phủ nêu 4 chuyển biến tích cực và 5 hạn chế yếu kém.

Trong 5 yếu kém có việc một số thủ trưởng bộ ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân chưa trực tiếp tiếp công dân theo quy định. Và đây là yếu kém đã tồn tại hết năm này sang năm khác, nhưng chưa bao giờ có thông tin những thủ trưởng không thực hiện đúng quy định này phải chịu trách nhiệm thế nào.

Một trong các nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay được Chính phủ nhìn nhận là công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương còn yếu kém, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai. Đặc biệt, có dự án thu hồi đất của dân nhưng nhiều năm không sử dụng, để hoang hóa hoặc chuyển nhượng dự án thu lợi nên công dân bức xúc, khiếu nại, tố cáo gay gắt.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, mặc dù đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực, song kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn chưa có sự chuyển biến căn bản, mang tính đột phá.

Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban này cho rằng cần phải xem xét, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là do hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện và quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả, hay là do tình hình kinh tế trong nước trong năm qua gặp khó khăn. Số lượng dự án đầu tư có yêu cầu thu hồi đất không nhiều nên giảm bớt mức độ bức xúc của người dân về việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo công ăn việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất, qua đó tình hình khiếu kiện trong lĩnh vực này giảm đi?.

Cơ quan thẩm tra cũng “phê” Chính phủ chưa phân tích đầy đủ để chỉ ra số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng chủ yếu ở cấp nào, lĩnh vực nào và cũng chưa đưa ra được các biện pháp thích hợp để xử lý đối với những trường hợp thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Theo Ủy ban Pháp luật, những nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, trong đó có cả sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tham nhũng, tiêu cực làm cho người dân mất niềm tin vào cơ quan chức năng và chính quyền địa phương của một số cán bộ đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng vẫn chậm được khắc phục. Nếu không kịp thời có biện pháp hữu hiệu để khắc phục thì rất khó có thể có sự chuyển biến cơ bản trong giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian tới, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Ủy ban Pháp luật cũng sốt ruột trước hiện tượng thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn chưa được làm rõ, xử lý nghiêm. Việc thu hồi đất đai, tài sản cho Nhà nước và công dân sau giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn rất thấp, số vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra quá ít.

Báo cáo thẩm tra đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền để xảy ra khiếu nại, tố cáo do sự yếu kém, thiếu trách nhiệm của cơ quan mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý. Đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp không thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo Nguyễn Lê

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên