MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó chạm giấc mơ sản xuất ô tô “Made in Việt Nam”

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong việc đặt vấn đề sản xuất chiếc ô tô "Made in Việt Nam" tại thời điểm này là không khả thi, thậm chí sẽ phá sản.

Xe ô tô “Made in Việt Nam” lỡ hẹn 2 năm

Những doanh nghiệp lớn của nước ngoài hầu như đã chiếm lĩnh toàn bộ thị phần ô tô 4 chỗ, việc một doanh nghiệp Việt Nam chen chân vào thị phần này trong lúc vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, kỹ thuật, nhân công... là điều không khả thi.

Bằng chứng là chiếc xe 4 chỗ Vinaxuki VG với tỷ lệ nội địa hóa hơn 50% được thiết kế, sản xuất bởi CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) mặc dù được trình làng vào tháng 9/2012 song đã "lỡ hẹn" 2 năm nay.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki từng chia sẻ, khi mẫu xe này có mặt trên thị trường, mức giá bán lẻ được công ty áp dụng sẽ chỉ từ 220 triệu đồng đến 349 triệu đồng/chiếc, bảo hành đến 5 năm.

Tiếp tục, đến tháng 6/2014, VG lại được trưng bày tại Triển lãm Vietnam AutoExpo 2014, ông Huyên cho biết, sẽ tung ra sản phẩm vào tháng 9. Đồng thời, công bố giá bán lẻ cho phiên bản số sàn và số tự động lần lượt là 326 triệu đồng và 346 triệu đồng/chiếc.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tháng 12/2014, chiếc xe Vinaxuki VG vẫn chưa thể xuất xưởng.

Chia sẻ với BizLIVE, ông Huyên cho biết việc VG liên tục “lỡ hẹn” xuất phát từ nguyên nhân thiếu vốn, cần đầu tư thêm 60 tỷ đồng để hoàn thiện sau khi đã đầu tư khoảng 800 tỷ đồng.

“VG đáng ra đã được xuất xưởng từ năm 2012 nhưng do khủng hoảng kinh tế, lãi suất ngân hàng tăng cao, những khoản vay chỉ được vay ngắn hạn nên VG phải bị dừng sản xuất”, ông Huyên lý giải.

Vì vậy, theo ông Huyên, Vinaxuki hiện đang chờ đợi sách mới từ nhà nước liên quan đến việc cấp thêm vốn cho doanh nghiệp và chủ động tìm nguồn vốn mới bằng cách cổ phần hóa, bán một trong hai nhà máy ở Thanh Hóa hoặc Vĩnh Phúc.

Ông Huyên cho biết, đã có một số doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Nhật Bản đặt vấn đề mua lại nhà máy tại Thanh Hóa.

Chủ tịch Vinaxuki tính toán, với nhà máy tại Thanh Hóa, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thêm 10 triệu USD ngay lập tức có thể sản xuất được xe con, xe tải và chỉ cần 3 năm sẽ thu hồi được vốn.

“Sự tham gia góp vốn của doanh nghiệp nước ngoài chắc chắn Vinaxuki sẽ sản xuất được ô tô với tỷ lệ nội địa hóa cao, xuất khẩu sang các nước ASEAN”, ông Huyên kỳ vọng.

Không khả thi

Nêu quan điểm về việc nên hay không nên tiếp tục sản xuất và cho xuất xưởng chiếc xe VG, một chuyên gia cho biết, chiếc xe đã được lên kế hoạch, thiết kế và sản xuất cách đây 2 năm, một thời gian quá dài khiến thiết kế có thể bị lạc hậu.

“Việc Vinaxuki đặt mục tiêu sản xuất xe Made in Viet Nam là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, để sản xuất chiếc xe doanh nghiệp phải gồng mình, chưa chắc đã cạnh tranh được với các dòng xe có uy tín lâu nay trên thị trường cả về mẫu mã, giá cả chất lượng”, vị chuyên gia này nói.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong đồng tình với kế hoạch của Vinaxuki đưa ra để hiện thực hóa chiếc xe Vinaxuki VG như cổ phần hóa, bán lại nhà máy cho doanh nghiệp nước ngoài và kỳ vọng Vinaxuki sẽ thành công.

“Định hướng cổ phần hóa sẽ giúp Vinaxuki tăng vốn, giảm bớt rủi ro, tạo nguồn lực mới để đầu tư cho chiếc Vinaxuki VG. Nếu VG đáp ứng được công năng, giá cả, mẫu mã sẽ là điều tốt cho ngành ô tô Việt Nam”, TS. Phong khẳng định.

Tuy nhiên, nhận định chung về cả ngành sản xuất ô tô Việt Nam, TS. Phong giữ quan điểm, thời điểm này các doanh nghiệp trong nước chỉ nên là đại lý, lắp ráp, gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài bằng hình thức liên doanh liên kết. Sau đó chuyển gia công sang sản xuất có giấy phép với tư cách công ty con.

“Việc đặt vấn đề sản xuất ngay một chiếc ô tô Made in Việt Nam là không khả thi, thậm chí phá sản”, TS. Phong nhấn mạnh.

>> “Xin chế” vì muốn sản xuất ô thương hiệu Việt

Theo NGUYỄN THẢO

thanhhuong

Diễn đàn Đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên