Khoản vay bất thường của EVN
Trong khi đang “dư tiền cho vay”, năm 2010, chính EVN lại đi vay tiền của Nhiệt điện Phả Lại, trong đó 2.000 tỉ đồng là bổ sung nguồn vốn lưu động để EVN đầu tư xây dựng các dự án.
Trong khi đó, Nhiệt điện Phả Lại có khoản thu nhập lãi gần 330 tỉ đồng từ việc cho EVN vay 2.350 tỉ đồng. Năm 2011, Nhiệt điện Phả Lại cũng có khoản thu nhập trên 210 tỉ đồng từ khoản cho vay này.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, khoản tiền EVN cho Nhiệt điện Phả Lại vay nằm trong khoản tiền EVN đã vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, sau đó cho vay lại từ năm 2006 với lãi suất ưu đãi 2,43%/năm cộng với phí cho vay lại của EVN là 0,2%/năm.
Trong khi đang “dư tiền cho vay”, năm 2010, chính EVN lại đi vay tiền của Nhiệt điện Phả Lại, trong đó 2.000 tỉ đồng là bổ sung nguồn vốn lưu động để EVN đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện và 350 tỉ đồng để đầu tư xây dựng dự án thủy điện Lai Châu.
Đáng chú ý, Nhiệt điện Phả Lại là công ty cổ phần hoạt động độc lập, không phải là công ty con của EVN và không có chức năng kinh doanh tài chính. Trả lời Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc đi vay, cho vay lại rồi lại đi vay của người vay của EVN có rất nhiều điều bất thường thậm chí là nghịch lý. Báo cáo tài chính hợp nhất của EVN đã được kiểm toán thể hiện tiền mặt trong các năm 2011, 2012 luôn ở con số hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng tại sao vẫn đi vay?
“Việc vay vốn sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh phải được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Đối với việc vay vốn giữa các doanh nghiệp độc lập với nhau được coi là hoạt động kinh doanh tài chính, nếu Nhiệt điện Phả Lại không có giấy phép kinh doanh tài chính tức là trái với quy định pháp luật”, ông Long nói và đặt nghi vấn: “Hiện tượng nói trên thể hiện việc chuyển vốn và thực hiện không đúng với chức năng nhiệm vụ của doanh nghiệp, liệu có động cơ mờ ám nào ở đằng sau thì cơ quan chức năng phải làm rõ”, ông Long đặt nghi vấn.
Đầu năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại EVN. Tuy nhiên, đến cuộc họp báo thường kỳ vào đầu 10.2013, Thanh tra Chính phủ cho biết dù đã kết thúc nhưng chưa thể công bố kết luận vì còn nhiều quan điểm khác nhau. Trước đó, dư luận dẫn theo kết quả thanh tra phản ánh EVN đầu tư hơn 121.000 tỉ đồng ra ngoài, vượt 45.000 tỉ đồng so với vốn điều lệ nhưng sau đó EVN phản bác cho rằng chỉ đầu tư ra ngoài hơn 2.100 tỉ đồng.
Thái Sơn