MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khoảng cách giàu - nghèo gia tăng: “Nỗi lo” của người Việt?

Theo khảo sát của VCCI và WB, phần lớn người dân (47%) bày tỏ lo ngại trước khoảng cách giàu - nghèo tăng lên ở Việt Nam…

Theo Báo cáo Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam (CAMS 2014) do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp khảo sát, 47% người dân bày tỏ lo ngại trước khoảng cách giàu - nghèo gia tăng ở Việt Nam trong 10 năm qua (2005 - 2014). Chỉ có 8% cho rằng khoảng cách này chỉ ở mức nhỏ.

Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 20% người trả lời khảo sát hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay của đất nước. 

Dù quá nửa số người tham gia điều tra vẫn có niềm tin ở tương lai của con em, song tỷ lệ niềm tin trong CAMS 2014 đã giảm so với CAMS 2011, đồng thời một số lớn người dân (47%) cũng bày tỏ sự bức xúc trước khoảng cách giàu-nghèo tăng lên ở Việt Nam.

Ba nhóm có tỷ lệ cao nhất cho biết khoảng cách này là lớn/rất lớn là cơ quan báo chí (72%), Các cơ quan Đảng ở Trung ương (66%) và nhóm Đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (61%). Tất cả các nhóm đều đồng ý là khoảng cách tăng lên là lớn và rất lớn.

Năm nay, người tham gia khảo sát cũng thể hiện rõ quan điểm ủng hộ xu hướng nhà nước chuyển một số dịch vụ công sang cho khu vực tư nhân thực hiện.

Mặc dù ủng hộ “xã hội hóa” một số dịch vụ công và thừa nhận khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ tốt hơn nhà nước, nhưng tỷ lệ “ủng hộ song còn quan ngại” (57%) vẫn cao hơn tỷ lệ “hoàn toàn ủng hộ” (42%) chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát CAMS 2014 còn cho thấy một đa số và tỷ lệ tăng lên những người không hài lòng với tình hình minh bạch và khả năng tham gia của người dân vào quá trình hoạch định và thực hiện chính sách ở Việt Nam.

Điều đáng buồn là tỷ lệ cao nhất trong số những người không hài lòng và kém lạc quan này lại chính là các nhóm doanh nghiệp - những động lực của phát triển kinh tế, và nhóm các tổ chức quốc tế - những người đang hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá: “Kết quả này cho thấy những cải cách mà Việt Nam hiện đang thực hiện phù hợp với nhu cầu của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đưa ra những phát hiện đáng chú ý như kỳ vọng rất lớn về vai trò của Nhà nước trong kiểm soát giá cả, tình trạng lưỡng thể của nền kinh tế, đánh giá hiệu quả của chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước hay bình ổn giá chưa cao…."

Theo ông Lộc, kết quả của nghiên cứu này sẽ là những chỉ báo quan trọng cho các cơ quan hoạch định chính sách cũng như các cơ quan nghiên cứu thúc đẩy những chương trình nghiên cứu và hành động cụ thể, nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam vận hành đúng hướng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng công dân Việt Nam.

Trước đó, báo cáo Bộ phận nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) về nhóm New Wealth Builders (tạm dịch là nhóm người giàu mới nổi) cho biết, Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng nhóm người giàu mới nổi với tỷ lệ 34,9%, sau Ấn Độ (47,4%) và Indonesia (41,2%).

Với tài sản trung bình từ 100.000 USD đến 2 triệu USD, nhóm này sẽ nhanh chóng trở thành nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Các nhà phân tích dự báo rằng, tăng tưởng kinh tế ở Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ vào năm 2018; tăng trưởng tiêu dùng cá nhân sẽ hạn chế lạm phát.

Ngoài ra, số liệu phát triển kinh tế khả quan của năm 2014 khiến các nhà phân tích đưa ra những dự báo tích cực về viễn cảnh kinh tế 2015, trong đó chỉ ra rằng Việt Nam tiếp tục là mảnh đất hấp dẫn cho nhóm người giàu mới nổi tăng trưởng trong vòng 2 thập kỷ tới trên nền tảng chi tiêu lĩnh vực tiêu dùng tăng ổn định, chính sách ổn định giá và thu nhập bình quân của dân chúng tăng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2015, người Việt đã nhập khẩu 55.356 ô tô nguyên chiếc với giá trị đạt 1,51 tỷ USD; tăng 116,3% về số lượng và tăng 178,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Những con số kỷ lục hứa hẹn một năm bùng nổ của thị trường ô tô nhập khẩu tại Việt Nam với mức tăng trưởng trên 3 con số.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên