Không dễ để lao động tự do di chuyển trong AEC
Mỗi nước đều có những quy định riêng, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ việc làm trong nước như lao động phải biết tiếng nước sở tại, chỉ tuyển lao động nước ngoài khi không tuyển được lao động trong nước…
- 03-01-2016Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Cơ hội AEC rất lớn, nếu biết tận dụng
- 31-10-2015Tăng năng suất lao động Việt Nam: Hiệu quả phải đến từ nhiều phía
- 28-10-2015Năng suất lao động bằng 1/20 người Mỹ: Ngành chăn nuôi lo "thua trên sân nhà"?
Tại hội thảo Thị trường lao động Việt Nam khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, sáng 13/1, ông Simon Matthews, Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam cho biết: Dù AEC cho phép lao động có tay nghề trong 8 lĩnh vực được di chuyển tự do trong các nước nội khối.
Tuy nhiên, mỗi nước hiện đều có những quy định riêng, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ việc làm trong nước (như lao động phải biết tiếng nước sở tại, chỉ tuyển lao động nước ngoài khi không tuyển được lao động trong nước…). Với Việt Nam, theo ông Simon Matthews, lương không hẳn cao, nên dù mở cửa chưa hẳn lao động các nước đã ồ ạt tới làm việc.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, AEC sẽ giúp thị trường lao động trong khu vực sôi động hơn, việc làm mới có thể tạo thêm 14,5% vào năm 2025. Tuy nhiên, do khác biệt về trình độ phát triển, lao động có kỹ thuật cao sẽ di chuyển tới các nước phát triển (như Singapore, Malaysia, Thái Lan); lao động có trình độ thấp sẽ tới các nước kém phát triển hơn.
“AEC hình thành, cơ hội việc làm nhiều hơn, nhưng rào cản kỹ thuật không ít, nên việc di chuyển cũng không dễ dàng gì”, ông Diệp nói.
Theo ông Diệp, dù lương bình quân tại Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực, nhưng vẫn có những vị trí quản lý trả lương rất cao. Vì vậy, cơ hội cho lao động có tay nghề nước ngoài vào vẫn có, không phải mặt bằng lương thấp nên lao động nước ngoài không vào làm việc.
Đặc biệt, dù AEC đã ra đời, nhưng tại hội thảo, Thứ trưởng Diệp cho biết, phải xem lại văn bản thỏa thuận giữa các nước ASEAN. Theo ông, trong 8 ngành nghề các nước công nhận lẫn nhau có ngành y vẫn chưa thống nhất cách gọi các nghề, lao động có bằng gì sẽ được di chuyển tự do khi có người nói là y khoa, có người gọi y dược, lại có người nói là bác sĩ.
Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc đàm phán ngành nghề các nước ASEAN công nhận lẫn nhau do bộ chuyên ngành thực hiện, như: Bộ Xây dựng đàm phán về nghề kiến trúc sư, Bộ Y tế đàm phán về nghề y...
“Bản thân Bộ LĐ-TB&XH cũng không có thông tin cập nhật nhất về từng nghề đang làm như thế nào và tiến trình thực hiện của Việt Nam ra sao”, bà Đức nói. Tuy vậy, theo ông Diệp, Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm quản lý về lao động trong và ngoài nước, nên sẽ xem xét lại cách gọi chính xác.