Không ít bộ, ngành coi nông nghiệp là “sân sau” của doanh nghiệp
“Không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là “sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp”...
- 22-01-2016Toàn văn tham luận do Đại tướng Trần Đại Quang trình bày tại Đại hội Đảng 12
- 22-01-2016Đại hội Đảng XII: Biển Đông có những khó khăn, thách thức mới
- 22-01-2016Người dân tin tưởng, kỳ vọng vào thành công của Đại hội Đảng
“Không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là “sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp”, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường, nêu như vậy trong tham luận tại Đại hội Đảng 12, sáng 23/1.
Ông Cường khẳng định, nông dân là lực lượng trọng yếu về: Kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh và sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá - đô thị hóa đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Cường thì vai trò, vị trí của nông dân, nông thôn đang cảnh báo có 5 nguy cơ.
Thứ nhất, về địa vị, vai trò kinh tế của nông dân, nông thôn đang có biểu hiện giảm sút trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và đô thị hóa. Không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là “sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp” nên việc đầu tư xã hội phát triển nông nghiệp giảm sút mạnh từ 32,4% của những năm 1989-1990 xuống còn 14,2% những năm 2005-2010 và chỉ còn 6,12% đến 6,06% những năm 2012 - 2014.
Cùng với khó khăn của tiêu thụ nông sản, đã làm cho kinh tế nông nghiệp chững lại, giảm sút và kéo theo là việc nông dân không được quyền “định giá nông sản”..., điều này đồng nghĩa với địa vị, vai trò kinh tế của nông dân giảm sút theo. Và dẫn tới thu nhập của nông dân cũng giảm, tạo ra tâm lý nông dân không muốn làm nông nghiệp, ông Cường phân tích.
Nguy cơ thứ hai được ông Cường đề cập là khoa học kỹ thuật nông nghiệp nhìn chung vẫn khó “thâm nhập vào nông dân”, phần lớn lao động nông nghiệp trẻ tìm cách ly quê, ly nông. Cùng với đất sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, nông sản giá thành cao, chất lượng thấp,… dẫn đến khả năng hội nhập kinh tế thế giới của nông dân, của nông nghiệp Việt Nam chậm, tụt hậu xa hơn đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thứ ba là nguy cơ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa trong 20 năm qua và những năm tới khả năng sẽ tiếp tục lấy đi đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng đất 2 lúa, đất ven trục lộ giao thông, đất ven đô thị…
Việc “đào tạo nghề cho lao động nông thôn” chất lượng thấp, môi trường nông thôn xuống cấp nghiêm trọng..., dẫn đến nông dân thiếu việc làm, nông thôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.
Đề cập nguy cơ thứ tư về văn hóa xã hội, ông Cường nói nông dân đang mất dần năng lực sáng tạo văn hóa, bị cuốn theo lợi ích vật chất. Lối sống thực dụng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, “sống chết mặc bay”, đua theo lợi ích trước mắt mà buông lỏng vệ sinh an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.
Văn hóa truyền thống “tình làng, nghĩa xóm” bị suy giảm. Một bộ phận nông dân trẻ có lối sống đua đòi, hưởng thụ cao hơn lao động, xa dần văn hóa, nghệ thuật dân gian, lịch sử dân tộc và luôn mong muốn từ bỏ nguồn gốc “nông dân” của mình.
Nông dân đang bị phân hóa giàu nghèo và xu thế ngày càng tăng. Trước đổi mới khoảng cách là 3,5 lần; đầu đổi mới 5,6 lần; hiện tại khoảng 10,2 lần, ông Cường nói về nguy cơ thứ 5.
Để nâng cao vai trò của giai cấp nông dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ông Cường cũng kiến nghị nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp để nông dân chủ động, tham gia nhiều hơn vào giám sát hoạt động đối với cán bộ, đảng viên, cơ quan công quyền và xây dựng chính sách pháp luật của nhà nước; tự tin bảo vệ quyền và nghĩa vụ, lợi ích của công dân theo Hiến pháp, pháp luật.
VnEconomy